Bác Hồ trên lễ đài buổi mít tinh tại sân Trung đoàn 148, ngày 7/5/1959.Ảnh: Tư liệu
Trong suốt quá trình chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn 148, thuộc Sư đoàn 316, Quân khu 2, luôn gắn với chiến trường Sơn La và Tây Bắc, trở thành nòng cốt cho quân dân địa phương đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Từ “cái nôi” Tây Bắc cho đến khắp các chiến trường đều mang chiến công của Trung đoàn 148 -– Trung đoàn Sơn La anh dũng.
Nòng cốt là những đội vũ trang miền xuôi “Tây Tiến” và đội du kích Mường Chanh, Mường La (Sơn La), trong những ngày đầu chặn đánh quân Pháp xâm lược, Trung đoàn đã tổ chức nhiều trận giằng co quyết liệt với địch, góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và nhân dân các dân tộc trên mặt trận Tây Bắc với nhiều trận đánh như: Nậm Mức, Tuần Giáo, Pắc Ma, Chiềng Pấc, Mường Chanh, Hát Lót, Cò Nòi…
Cuối năm 1947, đầu năm 1948, thực hiện phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, Trung đoàn tổ chức biên chế thành 4 đại đội độc lập: 860, 870, 818 và 834 để tiến hành bao vây, chia cắt địch làm cho chúng không liên hệ được giữa các địa phương với nhau. Trong thời kỳ này, nổi bật một số trận đánh tiêu biểu, như trận đánh vào dinh Bạc Cầm Quý ở Mường La, đột kích nhà Châu đoàn Mộc Châu…
Từ năm 1948 đến năm 1952, Trung đoàn liên tục tham gia các chiến dịch quan trọng như: Sông Đà, Lao Hà, Lê Hồng Phong, Biên Giới, Lý Thường Kiệt, Tây Bắc và nhiều chiến dịch trên nước bạn Lào, giành được nhiều thắng lợi, vinh dự được Bác Hồ tặng cờ mang dòng chữ “Trung đoàn Sơn La anh dũng”. Lá cờ này đã đi cùng Trung đoàn trong suốt kháng chiến chống Pháp, sau này được đưa vào Bảo tàng Quân đội lưu giữ.
Đồng bào huyện Mai Sơn trong buổi mít tinh đón Bác Hồ tại sân Trung đoàn 148, ngày 7/5/1959. Ảnh: Tư liệu
Đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Trong chiến dịch này, Trung đoàn 148 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến đấu, tiêu diệt gần 1 đại đội lính Thái, 1 đại đội Âu - Phi, bắt sống gần 1 trung đội địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn gồm huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên Phủ, kiểm soát được tuyến đường từ Sơn La đi Lai Châu dài 60 km, phá vỡ hệ thống phòng ngự phía nam Lai Châu của địch, tạo điều kiện để hướng thứ yếu của chiến dịch ở Sơn La giành thắng lợi.
Mùa xuân năm 1953, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Ít-Xa-La thống nhất mở chiến dịch Thượng Lào. Trong một thời gian ngắn, với hai Tiểu đoàn bộ binh, Trung đoàn đã linh hoạt cơ động nhanh, táo bạo, luồn sâu, liên tục thực hiện đánh vận động, tiêu diệt gọn các cụm quân địch ở Mường Ngòi, Mường Khoa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tiêu diệt một bộ phận lớn quân địch, giải phóng một vùng rộng lớn thuộc tỉnh Luông Pha Băng và hai huyện của tỉnh Phông Sa Lỳ, đập tan phòng tuyến sông Nậm U của địch, tạo thế liên hoàn mới nối liền với vùng giải phóng Sầm Nưa của cách mạng Lào.
Sau chiến thắng Thượng Lào, Trung đoàn 148 tiếp tục tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đã kết thúc thắng lợi. Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn được Chính phủ tặng 128 huân chương các loại, trong đó có 17 huân chương từ Quân công hạng Nhất đến hạng Ba, xứng đáng với tên gọi “Trung đoàn Sơn La anh dũng”.
Đến năm 1958, thực hiện chủ trương của cấp trên, Trung đoàn 148 được lệnh bàn giao lại toàn bộ địa bàn Điện Biên Phủ cho Sư đoàn 316, sau đó hành quân về Nà Sản, vừa lao động xây dựng doanh trại, vừa huấn luyện chính quy, xây dựng Trung đoàn vững mạnh toàn diện. Thời gian này, một bộ phận cán bộ của đơn vị được tăng cường cho các đội công tác dân vận tham gia cuộc vận động cải cách dân chủ ở Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu và tham gia xây dựng, khôi phục lại sân bay Nà Sản và xây dựng Nông trường Tô Hiệu, nông trường trồng bông đầu tiên ở miền Bắc nước ta.
Ngày 7/5/1959, một vinh dự lớn đến với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, Bác Hồ lên thăm Tây Bắc nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cùng đi với Bác có phái đoàn của Chính phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nhà thơ Tố Hữu, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch… Đơn vị đã bảo vệ Bác trên đường đi và tổ chức buổi lễ mít tinh đón Bác trong doanh trại của đơn vị tại Nà Sản.
Những năm 1959-1960, theo yêu cầu của nước bạn Lào và chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng nước ta, Trung đoàn được lệnh đưa một tiểu đoàn cơ động sang Sầm Nưa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng và cơ quan Trung ương của cách mạng Lào. Trong các năm 1960-1962, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn đã chiến đấu trong điều kiện cực kỳ gian khổ và ác liệt tại vùng Pa Thí, Nậm Nơn, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng và trung tâm đầu não của cách mạng Lào.
Năm 1965, đế quốc Mỹ liều lĩnh phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Trung đoàn đã cử Đại đội súng máy cao xạ 21 tổ chức phục kích đánh địch ở cầu Hát Lót, ngã ba Cò Nòi, sân bay Nà Sản. Đại đội đã phối hợp với các đơn vị chiến đấu, bảo vệ an toàn các mục tiêu. Riêng đơn vị bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ ở Cò Nòi, Mai Sơn.
Đầu năm 1965, Trung đoàn 148 tiếp tục hành quân sang Lào mở chiến dịch “SK”. Trong suốt chiến dịch, Trung đoàn 148 đã đánh 23 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 600 địch. Với thành tích đạt được, Trung đoàn 148 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, các đơn vị được tặng tưởng hai Huân chương Chiến công hạng Nhất; 24 đơn vị và 59 cá nhân trong Trung đoàn được tặng hưởng Huân chương Chiến công các loại.
Đầu năm 1968, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng Lào đã quyết định mở chiến dịch tiến công Nậm Bạc. Lực lượng tham gia có Sư đoàn bộ binh 316 (gồm hai trung đoàn 174 và 148), Trung đoàn 335… và một số đơn vị của nước Bạn Lào. Trong chiến dịch này, Trung đoàn 148 đánh trận mở màn ở Na Nhang - Phu Huột, truy quét địch ở Nậm Thuôn, Nậm Ngà, Huội Toong, Huội Ngát, Hua Thoong... Liên quân Việt – Lào đã hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên giao, giải phóng hoàn toàn khu vực Nậm Bạc – Khăm Đeng với trên một vạn dân, khu giải phóng gồm 4 tỉnh Bắc Lào được nối thông với vùng Tây Bắc của ta làm cho hậu phương cách mạng của nước bạn thêm vững chắc.
Sau chiến thắng Nậm Bạc, Trung đoàn 148 tiếp tục tham gia các chiến dịch Nà Khằng (tháng 11-1968), Xiêng Khoảng - Mường Sủi (5-1969), Sảm Thông - Long Chẹng (1970-1971)… Trong các chiến dịch này, nhiều người con của tỉnh Sơn La đã anh dũng chiến đấu, lập được nhiều chiến công, như Anh hùng LLVT nhân dân Vì Văn Pụn, một mình đánh lui bốn đợt tiến công của địch. Những chiến công của Trung đoàn 148 và các đơn vị quân tình nguyện đã góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Lào chuyển sang bước ngoặt mới, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Trung đoàn 148 hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về. Ảnh: Tư liệu
Ngày 25/1/1975, Trung đoàn được lệnh cùng Sư đoàn hành quân bằng cơ giới vào chiến trường Miền Nam. Tham gia hai chiến dịch lớn là Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 148 anh hùng đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ Trung đoàn 49 của Sư đoàn 25 ngụy, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 43 thiết giáp của Sư đoàn 23 và nhiều đơn vị ngụy binh khác, diệt hàng trăm tên, bắt sống và gọi hàng 2.151 tên, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Đơn vị được cấp trên đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam. Trong hai chiến dịch trên, Trung đoàn được Nhà nước tặng thưởng 88 huân chương các loại, có 7 Huân chương Quân công, 81 Huân chương Chiến công và 12 cờ thưởng khác.
Sau năm 1975, Trung đoàn vừa trở về với Tây Bắc để cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng lại phải bước ngay vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trung đoàn 148 tham gia chiến đấu 42 trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh; 11 đơn vị và hơn 100 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương các loại. Tập thể Trung đoàn và Tiểu đoàn 6 được tặng Huân chương Quân công, 343 đồng chí được tặng bằng khen, giấy khen. Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trở về, ngày 20/12/1979, Trung đoàn 148 được được Quốc hội và Chính phủ tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai. Được tuyên dương Anh hùng còn có tập thể Đại đội 11 và liệt sĩ Phạm Xuân Huân, Đại đội trưởng Đại đội 11.
Gần 80 năm chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, dù ở chiến trường nào, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 148 luôn tỏ rõ sự kiên định, phấn đấu đi lên giành mọi thắng lợi. Từ trong khói lửa chiến tranh, truyền thống đoàn kết nhất trí đã trở thành một tài sản vô cùng quý báu của Trung đoàn. Đặc biệt, tình đoàn kết máu thịt với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, nhân dân Sơn La đã trở thành phẩm chất vốn có trong mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, để hoàn thành mọi nhiệm vụ trong những chặng đường tiếp theo.
Hà Ngọc Hòa (Hội Khoa học lịch sử tỉnh)