Trung đội Dân quân Kim Đài: Biểu tượng kiên cường của dân quân vùng cửa ngõ

Trung đội Dân quân Kim Đài: Biểu tượng kiên cường của dân quân vùng cửa ngõ
3 ngày trướcBài gốc
Các cựu dân quân Trung đội Dân quân Kim Đài cùng ôn lại những năm tháng hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Trường Giang
Năm lần bắn rơi máy bay Mỹ
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi về Kim Chính, thăm Khu du kích Kim Đài. Bước chân vào khuôn viên Nhà văn hóa thôn Kim Đài (nằm trong khuôn viên khu du kích), chúng tôi thực sự xúc động khi bắt gặp hình ảnh những tấm huân, huy chương, những lá cờ thi đua Quyết thắng- kỷ vật minh chứng cho những chiến công hiển hách của Trung đội Dân quân Kim Đài năm xưa được treo trang trọng.
Ông Phạm Ngọc Chương, nguyên Phó Trung đội trưởng Trung đội Dân quân Kim Đài, nay đã ngoài 80 tuổi, mái tóc bạc pha sương bồi hồi kể cho chúng tôi về những năm tháng chiến đấu oanh liệt. Ông Chương chậm rãi kể: Kim Đài nằm ở vị trí tiếp giáp giữa 3 tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, được coi là “cửa ngõ” của tỉnh, của quân khu.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, địch đã nhận thấy vị trí chiến lược này và đặt bốt chốt giữ nơi đây. Ngoài vị trí là tuyến đường bay vào của máy bay địch, Kim Đài còn là một trọng điểm bắn phá để ngăn chặn các tuyến giao thông đường sông, đường biển của ta.
Nhận thức rõ vị trí then chốt của Kim Đài, tháng 10 năm 1960, Huyện ủy và Cơ quan quân sự huyện Kim Sơn đã quyết định thành lập Trung đội Dân quân, quy tụ 42 người con ưu tú từ khắp các xã trong huyện Kim Sơn.
Đồng chí Trần Mạnh Thùy, một người lính phục viên đầy kinh nghiệm được giao trọng trách làm Trung đội trưởng. Trung đội mang trong mình nhiệm vụ kép: vừa sản xuất để tự đảm bảo đời sống, vừa sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ trị an quê hương. Khi nhắc đến chiến công của Trung đội, ông Chương không khỏi xúc động: Chiến công thì nhiều, song nổi bật nhất là đơn vị đã 5 lần bắn rơi máy bay Mỹ, minh chứng cho tinh thần chiến đấu quả cảm và sự mưu trí sáng tạo của những người con quê hương.
Kỳ tích đầu tiên được viết nên vào ngày 6/9/1965, khi chỉ bằng những loạt đạn từ súng trường K44, Trung đội đã hạ một chiếc máy bay của địch, mở ra niềm tin về khả năng đánh bại không lực Hoa Kỳ bằng vũ khí bộ binh. Tiếp nối chiến công ấy, ngày 16/8/1966 và ngày 3/5/1967 tại trận địa Kim Đài, Trung đội tiếp tục bắn rơi thêm hai máy bay nữa của Mỹ.
Đến năm 1968, sức mạnh chiến đấu của Trung đội được tăng cường đáng kể khi được trang bị pháo phòng không 12 ly 7. Tuy nhiên, từ tháng 4 năm 1972, khi Mỹ quay trở lại đánh phá Ninh Bình với cường độ ác liệt hơn và tăng cường các thủ đoạn đánh đêm, những trận đánh trả ban đầu của lực lượng dân quân tự vệ chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Không nản chí, Trung đội vẫn không ngừng trinh sát, nắm bắt quy luật hoạt động của máy bay địch và nhận thấy: Tại Cồn Đen, địch thường xuyên bay qua khu vực này và đây cũng là nơi chúng hạ độ cao, trút bỏ bom thừa trước khi trở về hạ cánh xuống tàu sân bay. Một kế hoạch tác chiến táo bạo đã được vạch ra với phương châm “ra khơi tìm địch”. Trung đội quyết định dời trận địa ra ngoài mép biển, đây là một quyết định đầy mạo hiểm nhưng thể hiện tinh thần chủ động tấn công và tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Trung đội.
Ông Trần Văn Lực, một trong những chiến sĩ của Trung đội được giao nhiệm vụ trực tiếp dời trận địa ra mép biển vẫn còn nhớ rõ những gian nan: Việc di chuyển trận địa ra mép biển không hề dễ dàng, bởi Trung đội phải độc lập tác chiến trong điều kiện vô cùng khó khăn: trận địa dễ bị phát hiện khi nổ súng, súng đặt trên cát lún khi triều xuống, trên thuyền chòng chành khi triều lên, rất khó đứng vững trước gió to sóng lớn. Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men cũng gặp vô vàn trở ngại. Nắng mưa, muỗi mòng cũng là những thử thách không nhỏ.
Thế nhưng, với ý chí quyết tâm cao độ, Trung đội vẫn kiên trì bám trụ, đợi địch và đồng thời áp dụng nhiều sáng kiến để xây dựng và bảo vệ trận địa. Gần một tháng trời mật phục nơi mép biển, có những ngày các chiến sĩ dân quân Kim Đài phải dầm mình trong nước biển lạnh giá, bùn lầy, nhưng không một ai nản chí.
Và rồi, thời cơ đã đến. Ngày 16/8/1972, vào lúc 9 giờ 10 phút, nhiều tốp máy bay địch xuất hiện, chúng bay cao rồi ầm ầm lao vào đất liền. 35 phút sau, chúng quay ra biển. Với tinh thần cảnh giác, bám chắc mục tiêu, những nòng súng 12 ly 7 của Trung đội nhằm thẳng quân thù nhả đạn. Một chiếc máy bay Mỹ trúng đạn, mất thăng bằng, chòng chành, bốc cháy rồi lao xuống biển sâu. Tiếp nối chiến công, vào ngày 30/9/1972, đơn vị Dân quân Kim Đài Anh hùng lại một lần nữa lập công xuất sắc, bắn hạ thêm một máy bay nữa của địch.
Với tinh thần cảnh giác đánh giỏi, bắn giỏi, trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Trung đội dân quân Kim Đài đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ, góp phần vào thành tích chung bắn rơi 90 máy bay Mỹ của quân và dân Ninh Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Vang vọng bản hùng ca
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đội dân quân Kim Đài anh hùng đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Quân công Hạng Ba; 2 Huân chương Chiến công Hạng Nhất; 2 Huân chương Chiến công Hạng Nhì; 1 Huân chương Chiến công Hạng Ba. Năm 1969, Trung đội được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Nhớ về những năm tháng chiến đấu oanh liệt, ông Phạm Ngọc Chương khẳng định: Sức mạnh chiến đấu phi thường của Trung đội không chỉ đến từ tinh thần quả cảm của mỗi cá nhân mà còn được hun đúc từ sự sẻ chia, đồng cam, cộng khổ của hậu phương để từ đó gắn kết Trung đội thành một gia đình lớn.
Câu chuyện của bà Trần Thị Hoa, người mà cả gia đình đã cùng nhau về Kim Đài để xây dựng Trung đội là minh chứng rõ nét cho điều đó. Bà Trần Thị Hoa, con gái của cố Trung đội trưởng Trần Mạnh Thùy, xúc động hồi tưởng: Năm tôi 15 tuổi, bố mẹ tôi đã quyết định đưa cả gia đình từ xã Đồng Hướng về Kim Đài để cùng nhau xây dựng Trung đội.
Ngày đó, nhiều gia đình dân quân ở khắp các vùng quê của huyện Kim Sơn cũng đã về đây. Mỗi người trong Trung đội là có hoàn cảnh, tuổi tác khác nhau, nhưng tất cả đều chung một ý chí, quyết tâm mong được góp sức để cùng nhân dân cả huyện, cả tỉnh, cả nước đánh thắng giặc Mỹ. Già trẻ, lớn, bé, mỗi người tùy theo sức của mình đều hăng say lao động, sản xuất, chiến đấu, động viên nhau vượt qua những năm tháng gian khó.
Theo bà Hoa, ngày ấy, vùng đất Kim Đài còn hoang vu, đầy lau, lác, cỏ sậy mọc um tùm. Trên bầu trời, máy bay địch thường xuyên do thám, sẵn sàng trút bom bất cứ khi nào. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng chính tình yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc sâu sắc đã trở thành sợi dây kết nối những con người xa lạ thành một tập thể vững mạnh, nơi mỗi thành viên vừa là đồng đội, vừa là người thân. Sự ủng hộ, động viên từ hậu phương gia đình vững chắc đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn, giúp Trung đội Dân quân Kim Đài vượt qua mọi gian nan, thử thách, làm nên những chiến công hiển hách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa sản xuất để tự đảm bảo đời sống, vừa sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ trị an quê hương.
Ông Trần Văn Lực cho biết thêm: Những năm tháng chiến tranh ác liệt, điều kiện vật chất còn vô cùng thiếu thốn, ngay cả những vật dụng bảo hộ cơ bản như mũ cối cũng trở nên khan hiếm, huống chi là mũ sắt. Giữa hoàn cảnh đó, tinh thần sáng tạo và ý chí vượt khó của các chiến sĩ Trung đội dân quân Kim Đài không ngừng được khơi dậy. Đơn cử như các chiến sĩ Trung đội đã tận dụng rơm để bện thành những chiếc mũ, vừa che mưa, che nắng, vừa ngụy trang, lại vừa có tác dụng chống đạn. Những đóng góp to lớn của Trung đội Dân quân Kim Đài đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, trở thành một trong những biểu tượng sáng ngời cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Anh Dương Văn Đoán, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Kim Chính khẳng định: Những chiến công của các bác, các cô, chú trong Trung đội dân quân Kim Đài năm xưa không chỉ là niềm tự hào của thế hệ cha anh mà còn là niềm tự hào của thế hệ trẻ chúng tôi. Noi theo thế hệ cha anh, tuổi trẻ Kim Chính tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực lao động, sản xuất, tham gia kiến thiết và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Để ghi nhớ những chiến công của Trung đội Dân quân Kim Đài anh hùng, năm 2023, tỉnh Ninh Bình quyết định đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo Khu du kích Kim Đài và các hạng mục phụ trợ phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh. Dự án đã hoàn thành vào cuối năm 2024. Với quy mô và các hạng mục đã được đầu tư, nơi đây trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, để khí thế hào hùng của Trung đội Dân quân Kim Đài năm xưa sẽ mãi vang vọng, là niềm tự hào cho thế hệ mai sau.
Mai Lan
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/trung-doi-dan-quan-kim-dai-bieu-tuong-kien-cuong-cua-dan-693846.htm