Trung Đông đứng đâu trong căng thẳng thuế quan Mỹ-Trung?

Trung Đông đứng đâu trong căng thẳng thuế quan Mỹ-Trung?
4 giờ trướcBài gốc
Căng thẳng thuế quan gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc đang đe dọa ngành năng lượng ở Trung Đông. Sau khi hai bên công bố các đòn thuế quan qua lại, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021 (giai đoạn đại dịch COVID-19).
Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hoãn áp thuế đối ứng lên các nền kinh tế toàn cầu (trừ Bắc Kinh), mối lo từ sự căng thẳng về thuế quan giữa Mỹ-Trung vẫn khiến triển vọng kinh tế của các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông trở nên u ám, theo tờ The New Arab.
Ngân sách dựa vào dầu mỏ
Theo trang Trading Economics, giá dầu Brent chốt phiên giao dịch trong tuần vào ngày 25-4 với mức 66,87 USD/thùng, giảm 1,6% so với tuần trước. So với cùng kỳ năm ngoái, khi giá vượt 90 USD, dầu Brent đã mất gần 30% giá trị.
Giá dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ là giao dịch ở mức 63,02 USD/thùng, đánh dấu mức giảm 2,6% trong tuần.
Đối với các nền kinh tế dựa vào dầu mỏ như Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Iraq, bất kỳ sự sụt giảm nào về doanh thu từ dầu mỏ đều có thể khiến nền kinh tế lao đao.
Giá dầu biến động khiến các quốc gia này buộc phải điều chỉnh chính sách tài khóa và đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, ngay cả khi căng thẳng thương mại chỉ mới khiến giá dầu giảm trong vài ngày.
Trung Đông và căng thẳng thuế quan Mỹ-Trung. Ảnh: ANADOLU AGENCY
Theo một chuyên gia kinh tế tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, cú sốc giá dầu có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho Saudi Arabia khi thâm hụt ngân sách có thể tăng vọt lên 67 tỉ USD trong năm nay, buộc quốc gia này phải cắt giảm mạnh các dự án lớn và vay từ thị trường trái phiếu quốc tế.
Dù tác động chính là lên thị trường dầu mỏ, căng thẳng thương mại kéo dài cũng đe dọa làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và xu hướng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu nhu cầu dầu sụt giảm kết hợp với thị trường chứng khoán lao dốc.
Ông Zeeshan Shah - nhà phân tích tại công ty tư vấn FINRA (Mỹ) - chia sẻ với The New Arab rằng trong các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Saudi Arabia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi Qatar có nền kinh tế dựa vào khí tự nhiên, còn UAE đã đa dạng hóa phần lớn nền kinh tế nhờ thương mại và du lịch.
Ông Shah nói thêm rằng nếu giá dầu duy trì ở mức thấp trong một thời gian, kế hoạch hiện đại hóa Saudi Arabia của Thái tử Mohammed bin Salman có thể sẽ bị chậm lại.
Dự đoán rằng các nền kinh tế Trung Đông sẽ phải đối mặt với những thách thức lâu dài từ biến động giá dầu, ông Burak Can Celik - nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ - cho rằng các nước xuất khẩu dầu trong vùng Vịnh sẽ phải cắt giảm chi tiêu công và trì hoãn các dự án nếu nhu cầu công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục giảm do căng thẳng thương mại.
Còn theo chuyên gia kinh tế Torek Farhadi, giá dầu thấp là một thách thức đối với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), các nước OPEC+ và cả Mỹ, vì khiến nhiều dự án tiềm năng trở nên không còn hiệu quả.
Ngoài ra, để giảm thặng dư thương mại với Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại, các nước như Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ có thể sẽ tăng nhập khẩu năng lượng từ Mỹ, điều này sẽ tác động đến các công ty năng lượng ở các nước Trung Đông.
Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng các cuộc đàm phán về thuế quan với Trung Quốc vẫn đang diễn ra, mặc dù các quan chức Trung Quốc liên tục bác bỏ điều này.
Bất ổn thị trường
Giới quan sát cho rằng đầu tư nước ngoài vào vùng Vịnh có thể rơi xuống mức cực thấp nếu thị trường tiếp tục bất ổn, kèm theo lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Không chỉ vậy, chính sách áp thuế của ông Trump và tình trạng lao dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu có thể khiến nhiều doanh nghiệp ở vùng Vịnh trì hoãn kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Trước đó, hơn 40 công ty được kỳ vọng sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu trong năm nay.
Nếu đồng USD mất giá, hầu hết các nước MENA (Trung Đông và Bắc Phi) đang neo tỉ giá vào đồng USD sẽ phải gánh chịu chi phí để giữ cho đồng tiền quốc gia không mất giá theo. Ngược lại, nếu thuế quan làm đồng USD mạnh lên, đồng nội tệ của các nước này cũng tăng theo, khiến hàng hóa xuất khẩu của họ trở nên đắt đỏ hơn và kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo hãng tư vấn tài chính Price Waterhouse Coopers, các doanh nghiệp Trung Đông cần khẩn trương đánh giá tác động đến chuỗi cung ứng, điều chỉnh quy trình sản xuất và đa dạng hóa nguồn cung sau khi phân tích các kịch bản và yếu tố khác nhau.
Chuyên gia Celik nhận định rằng các nước trong khu vực MENA có thể sẽ buộc phải điều chỉnh chiến lược để thích ứng với một trật tự thế giới đa cực hơn. Ông dự đoán khu vực sẽ dần nghiêng về phía tự chủ hơn về kinh tế, có thể thắt chặt quan hệ với Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hoặc tăng cường hợp tác khu vực.
“Cuộc xung đột giữa các gã khổng lồ”
Có quan điểm cho rằng các cảng ở Trung Đông có thể trở thành những con đường thay thế nếu Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động thương mại khỏi Mỹ. Các quốc gia như UAE, Qatar và Oman có thể trở thành các trung tâm giao thương quan trọng.
Trung Đông và căng thẳng thuế quan Mỹ-Trung. Ảnh: ISTOCK
Tuy nhiên, điều bất lợi là sự di chuyển hàng hóa như vậy có thể thu hút sự giám sát từ Mỹ, gây ra nguy cơ áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp.
Bàn về khả năng này, ông Shah cho rằng kịch bản trên có thể buộc UAE vào một tình thế khó xử, “cố gắng làm hài lòng đồng minh quan trọng nhất là Mỹ, trong khi cố gắng không làm Trung Quốc - quốc gia mà UAE đã xây dựng một mối quan hệ kinh tế ngày càng quan trọng - cảm thấy khó chịu”.
Nhà phân tích Celik gọi căng thẳng thương mại hiện tại là “một sự thay đổi mang tính chất kiến tạo với những ảnh hưởng toàn cầu. Ông cho rằng khu vực MENA đã bị “vướng vào cuộc xung đột giữa các gã khổng lồ”.
Theo giới quan sát, nếu cuộc chiến thương mại leo thang, có thể sẽ không có điểm dừng cho các cuộc vận động địa chính trị trong khu vực, khi các quốc gia Trung Đông có thể sẽ tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc bằng cách hướng tới châu Âu và các nền kinh tế toàn cầu khác.
Tăng cường thương mại nội khu vực cũng có thể tạo ra một lớp đệm chống lại các cú sốc kinh tế toàn cầu. Chiến lược đa phương này có thể giúp giảm thiểu rủi ro từ việc tăng thuế và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Đồng thời, các quốc gia Trung Đông có thể định vị mình như những trung tâm giao thương trung lập và hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế chuyển hướng từ cả hai bên.
Nga chuẩn bị cho trường hợp giá dầu thấp kỷ lục
Trong bối cảnh giá dầu giảm do căng thẳng thuế quan Mỹ-Trung, giới chức Nga đang chuẩn bị đối phó với đà sụt giảm tiếp tục của giá dầu,được dự đoán là thấp nhất kể từ đại dịch COVID-19, tờ Moscow Times đưa tin ngày 21-4.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga trong tháng này đã hạ đáng kể dự báo giá trung bình dầu Urals năm 2025 xuống còn 56 USD/thùng.
Mức giá này sẽ là thấp nhất kể từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu toàn cầu sụp đổ và kéo giá dầu Urals xuống mức trung bình hằng năm chỉ còn 41,7 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu chỉ từng rơi xuống dưới 56 USD/thùng vào các năm 2015 và 2016, với mức trung bình lần lượt là 51,20 USD và 41,90 USD.
Dự báo mới thấp hơn nhiều so với mức 69,7 USD/thùng đã được tính toán trong ngân sách liên bang của Nga, và thậm chí còn thấp hơn cả mức giá sàn 60 USD mà phương Tây áp lên dầu Nga do cuộc chiến ở Ukraine.
Theo quy định tài khóa của Nga, mọi khoản thu từ dầu khí vượt ngưỡng 60 USD/thùng sẽ được chuyển vào Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF), trong khi nếu doanh thu thấp hơn ngưỡng đó, chính phủ sẽ phải bù đắp bằng cách rút tiền từ quỹ.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/trung-dong-dung-dau-trong-cang-thang-thue-quan-my-trung-post845823.html