Trung Đông đang chứng kiến những chuyển mình kinh tế mạnh mẽ, mở ra thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Dân số hơn 500 triệu người với 17 thành viên gồm UAE, Saudi Arabia, Iran, Iraq, Kuwait, Oman, Quatar, Bahrain, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Palestine, Cộng hòa Síp, Lebanon, Jordan, Yemen, Syria và Ai Cập
Khu vực này có GDP 4.287 tỷ USD và GDP bình quân đầu người gần 8.600 USD (theo Ngân hàng Thế giới, số liệu năm 2023).
Các nền kinh tế chủ chốt như UAE, Saudi Arabia, và Qatar đang nỗ lực xây dựng nền tảng kinh tế bền vững, giảm phụ thuộc vào tài nguyên và khẳng định vai trò trong thời đại mới.
Trung Đông đang là điểm đến hấp dẫn cho hàng hóa Việt. Ảnh: Hoàng Anh
UAE: Đầu tàu trong phát triển công nghệ và tài chính
UAE, với Dubai và Abu Dhabi, đã khẳng định mình là trung tâm tài chính và đổi mới. Không còn là quốc gia chỉ dựa vào dầu mỏ, UAE đang trở thành điểm đến toàn cầu cho đầu tư công nghệ, du lịch, và tài chính.
Masdar City ở Abu Dhabi là một ví dụ nổi bật, nơi thành phố thông minh này được xây dựng với chi phí 19,8 tỷ USD, sử dụng 100% năng lượng tái tạo, góp phần giảm thiểu khí thải carbon, thu hút nhiều công ty công nghệ xanh toàn cầu.
Ngoài ra, UAE đặc biệt chú trọng phát triển hệ sinh thái công nghệ thông qua các chính sách ưu đãi cho startup và công ty quốc tế.
Những khu vực tự do như Dubai Internet City, Dubai Media City và Abu Dhabi Global Market đã thu hút lượng lớn doanh nghiệp công nghệ, truyền thông và tài chính quốc tế.
Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng môi trường đầu tư hấp dẫn, hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế và bảo vệ đầu tư để mở rộng thị trường tại UAE.
Saudi Arabia và Qatar chuyển mình
Saudi Arabia đang đẩy nhanh tiến trình giảm phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua chiến lược Vision 2030 – một kế hoạch đầy tham vọng nhằm phát triển các ngành công nghiệp mới như du lịch, công nghệ và giáo dục.
Thành phố Neom, một phần quan trọng trong chiến lược, dự kiến trở thành biểu tượng mới của sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực xây dựng, công nghệ và dịch vụ có thể tham gia cung ứng và hợp tác trong các dự án này, từ đó gia tăng cơ hội phát triển tại thị trường giàu tiềm năng.
Saudi Arabia cũng đang đẩy mạnh ngành du lịch, thu hút du khách quốc tế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng các dịch vụ khách sạn và ẩm thực tại đây.
Những sản phẩm và dịch vụ đậm chất Việt có tiềm năng thu hút và xây dựng dấu ấn trên thị trường mới mẻ này, đặc biệt là khi quốc gia này đang mở cửa hơn với thế giới.
Qatar, quốc gia đứng thứ 8 về GDP bình quân đầu người (81.400 USD, theo IMF năm 2024), không chỉ dẫn đầu về xuất khẩu khí tự nhiên mà còn phát triển các lĩnh vực tài chính và đầu tư.
Chính phủ Qatar khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp quốc tế trong các ngành tài chính, bảo hiểm và quản lý tài sản.
Sau thành công của World Cup 2022, Qatar không ngừng mở rộng cơ sở hạ tầng du lịch và thể thao. Doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực du lịch, nội thất và dịch vụ liên quan có cơ hội lớn để cung cấp các sản phẩm cho những công trình và sự kiện này, mở rộng sự hiện diện của Việt Nam tại quốc gia này.
Tiềm năng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Đông
Hiện nay, hàng hóa Việt Nam mới chỉ thâm nhập vào 7/17 quốc gia Trung Đông, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,3 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, số liệu được TheLEADER thống kê từ nguồn Tổng cục Hải quan.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tại khu vực này bao gồm UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, với UAE chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch. Dù có tiềm năng lớn, con số này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của thị trường Trung Đông.
Về các mặt hàng xuất khẩu chính, Việt Nam tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại và linh kiện (chiếm gần 35% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Đông); máy tính, linh kiện và các sản phẩm điện tử.
Bên cạnh đó, các sản phẩm truyền thống như giày dép, hạt điều, thủy sản, dệt may, phương tiện vận tải, phụ tùng, và nông sản (gạo và hạt tiêu) cũng góp mặt trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Trung Đông đang là thị trường đầy tiềm năng cho nông sản và thực phẩm Việt Nam nhờ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao, với xu hướng ưa chuộng các sản phẩm như gạo, cà phê và hạt tiêu.
Chỉ riêng UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia – ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực này – đã nhập khẩu các loại trái cây với tổng kim ngạch lên tới 4,6 tỷ USD, gạo với hơn 9,5 tỷ USD và cà phê với 2,7 tỷ USD trong năm 2023, số liệu từ Trade Map.
Những sản phẩm nông sản Việt, với chất lượng và giá thành cạnh tranh, hoàn toàn có khả năng gia tăng thị phần tại khu vực này, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho doanh nghiệp trong nước.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Đông các sản phẩm như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; chất dẻo nguyên liệu; khí hóa lỏng và hóa chất, cùng với các sản phẩm dầu mỏ.
Tổng kim ngạch nhập khẩu từ khu vực Trung Đông đạt 4,8 tỷ USD vào năm 2023. Hàng hóa chủ yếu từ Israel, Saudi Arabia và UAE, với sự đóng góp của các mặt hàng cần thiết cho công nghiệp và sản xuất của Việt Nam.
Ngoài ra, với hệ thống logistics tiên tiến, Trung Đông là khu vực lý tưởng để phát triển các dịch vụ công nghệ và logistics của Việt Nam, giúp hàng hóa được phân phối hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Sự phát triển của cơ sở hạ tầng logistics tại Trung Đông không chỉ hỗ trợ dòng chảy hàng hóa mà còn giúp Việt Nam mở rộng mạng lưới phân phối và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là khi thị trường này đang ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, các quỹ đầu tư lớn tại UAE, Saudi Arabia và Qatar đang tích cực tìm kiếm các dự án quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ xanh và hạ tầng.
Việc đón đầu làn sóng đầu tư này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mà còn mở rộng quy mô hoạt động, phát triển bền vững trong môi trường quốc tế đầy triển vọng này.
Năm 2023, các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông rót vốn FDI vào Việt Nam hơn 251 triệu USD, số liệu được TheLEADER thống kê từ nguồn Bộ Kế hoạch và đầu tư. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với 183,5 triệu USD.
Việc thu hút vốn FDI của Việt Nam từ khu vực này còn nhiều hạn chế, trong khi Trung Đông đang có nhiều quỹ đầu tư hàng đầu thế giới.
Đơn cử như UAE hiện sở hữu nhiều quỹ đầu tư FDI có quy mô lớn nhất thế giới như Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi quản lý 853 tỷ USD, là quỹ đầu tư lớn thứ tư trên thế giới; Tập đoàn Đầu tư Dubai quản lý 320,8 tỷ USD, đứng thứ 12 trên thế giới; Công ty Đầu tư Mubadala quản lý 276 tỷ USD, đứng thứ 13 trên thế giới; Công ty Phát triển Abu Dhabi quản lý 159 tỷ USD, đứng thứ 16 trên thế giới; Cơ quan Đầu tư Emirates quản lý 87 tỷ USD, đứng thứ 20 trên thế giới…
Các nền kinh tế Trung Đông, đặc biệt là UAE, Saudi Arabia và Qatar, đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tầm nhìn rõ ràng và chiến lược dài hạn. Việc đón đầu làn sóng chuyển đổi của khu vực này chính là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt mở rộng quy mô và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Đây là thời điểm vàng để các nhà quản trị doanh nghiệp Việt hướng tới các thị trường đầy tiềm năng, không chỉ để mở rộng mạng lưới mà còn cùng tạo dựng một hệ sinh thái kinh tế vững mạnh và bền vững.
Nhật Hạ - Công Hiếu