Trung Đông trước ngã ba đường: hòa bình hay xung đột?

Trung Đông trước ngã ba đường: hòa bình hay xung đột?
6 giờ trướcBài gốc
Người tị nạn Palestine trở về nhà tại miền Bắc Dải Gaza ngày 9/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo nhận định của báo The National (UAE), Trung Đông đang đứng trước những thay đổi địa chính trị quan trọng, với sự cân bằng mong manh giữa các nỗ lực hòa bình và nguy cơ xung đột mới. Cuộc chiến kéo dài 15 tháng giữa Israel và Hamas đã làm thay đổi căn bản cục diện quyền lực trong khu vực, đặc biệt là sự suy giảm ảnh hưởng của Iran sau khi các lực lượng dân quân thân nước này ở Liban và Gaza chịu tổn thất nặng nề.
Biến động tại Syria và nỗ lực tái thiết
Một trong những thay đổi quan trọng nhất là sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al Assad, cắt đứt tuyến đường bộ chiến lược kết nối giữa Iran và khu vực hoạt động cảu phong trào Hezbollah của Liban. Ahmed Al Sharaa, thủ lĩnh nhóm vũ trang Hồi giáo Hayat Tahrir Al Sham (HTS) đã trở thành tổng thống lâm thời của Syria và tích cực tham gia các nỗ lực ngoại giao quốc tế.
Gần đây nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Asaad Al Shibani đã tham dự Hội nghị AlUla về các nền kinh tế mới nổi. Tại đây, một liên minh các quốc gia Trung Đông cùng với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thống nhất thành lập nhóm điều phối không chính thức để giám sát viện trợ tài chính và tái thiết cho Syria, Liban và Palestine.
Vai trò mới của Saudi Arabia
Saudi Arabia đang nổi lên như một trung gian hòa giải quan trọng trong khu vực. Theo nhà phân tích quốc phòng Riad Kahwaji, Riyadh có tiềm năng làm trung gian giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran, đặc biệt sau khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao vào tháng 3/2023 dưới sự bảo trợ của Trung Quốc.
Abdulaziz Sager, người sáng lập và Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh, nhận định rằng lập trường trung lập của Saudi Arabia trong thập kỷ qua đã giúp nước này trở thành "một bên trung gian đáng tin cậy và công bằng" trong các cuộc đàm phán quốc tế.
Tuy nhiên, đề xuất gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc di dời người Palestine khỏi Gaza đã gây ra làn sóng phản đối trong thế giới Arab. Tổng thống Trump đề xuất biến Gaza thành "khu nghỉ dưỡng cấp cao của Trung Đông" và gợi ý rằng hai triệu người Palestine sẽ phải di dời để Mỹ "sở hữu" khu vực này.
Để đối phó với đề xuất này, các nhà lãnh đạo Arab đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Riyadh với sự tham gia của 6 quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Ai Cập và Jordan.
Trong một diễn biến liên quan khác, mặc dù có lệnh ngừng bắn ở Gaza và Liban, nguy cơ leo thang vẫn hiện hữu. Israel đã thông báo sẽ duy trì quân đội tại 5 đồn ở miền Nam Liban sau thời hạn rút quân 18/2, gây lo ngại cho các quan chức Liban.
Nhìn về tương lai, các chuyên gia cho rằng Trung Đông khó có thể đạt được hòa bình lâu dài hoặc rơi vào chiến tranh toàn diện. Theo Abdulaziz Sager, với chính sách hiện tại của Mỹ, các cuộc xung đột lớn khó có thể được giải quyết. Đồng thời, các bên trong khu vực không đủ khả năng để tiến hành các cuộc chiến tranh quy mô lớn và không muốn leo thang trước tình hình bất ổn đang diễn ra.
Về phần mình, Ana Palacio, cựu Ngoại trưởng Tây Ban Nha, nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần gắn liền với "nhiệm vụ quan trọng là tái thiết và duy trì sự ổn định". Với vai trò ngày càng tăng của các quốc gia vùng Vịnh trong hòa giải quốc tế, đặc biệt là Saudi Arabia, khu vực này đang có cơ hội để xây dựng một trật tự mới ổn định hơn, nhưng vẫn cần thời gian và nỗ lực của tất cả các bên liên quan.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo thenationalnews.com)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/trung-dong-truoc-nga-ba-duong-hoa-binh-hay-xung-dot-20250219140507273.htm