Trung Đông và cuộc chạy đua vũ khí phòng thủ laser

Trung Đông và cuộc chạy đua vũ khí phòng thủ laser
một ngày trướcBài gốc
Tại Trung Đông, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) giá rẻ và tên lửa với quy mô lớn đang đặt ra thách thức đối với những hệ thống phòng không tiên tiến của các cường quốc giàu có nhất khu vực, theo trang Business Insider.
Điều này đã thúc đẩy cuộc chạy đua triển khai các hệ thống phòng không sử dụng công nghệ laser mới, mà theo giới phân tích quân sự, có thể giúp bịt các lỗ hổng phòng không với chi phí thấp hơn đáng kể.
Israel đang chuẩn bị trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực triển khai hệ thống phòng không laser. Hệ thống phòng thủ laser với tên gọi Iron Beam trị giá 500 triệu USD không thay thế các hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) và những hệ thống khác của Israel, mà sẽ bổ sung thêm một lớp phòng thủ mới.
“Hệ thống laser là vũ khí của tương lai, có khả năng vô hiệu hóa toàn bộ một nhóm mối đe dọa” - Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, nói khi chuyến thăm cơ sở của Rafael – công ty Israel đang phát triển vũ khí phòng thủ laser.
Cơn sốt vũ khí laser trong quân sự xuất hiện đã lâu và hiện tập trung vào việc sử dụng chùm tia laser để bắn hạ UAV và tên lửa, giảm bớt áp lực cho các hệ thống tên lửa dẫn đường.
Tuy nhiên, khi chưa có hệ thống phòng không laser nào được đưa vào hoạt động thực tế, vẫn chưa thể xác định chắc chắn chúng sẽ vận hành ra sao trong nhiều điều kiện chiến trường khác nhau.
Hệ thống vũ khí laser Iron Beam do công ty Rafael (Israel) phát triển. Ảnh: RAFAEL
Các cuộc tấn công bằng UAV giá rẻ phơi bày lỗ hổng phòng thủ
Những cuộc xung đột gần đây đã thay đổi cục diện chiến tranh ở Trung Đông.
Các nhóm vũ trang thân Iran, như Houthis ở (Yemen), đã sử dụng UAV giá rẻ để gây áp lực lên hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Israel, đồng thời tấn công các tàu chiến và tàu thương mại trên Biển Đỏ.
Nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) cũng dùng UAV để thử thách hệ thống Iron Dome của Israel – vốn được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo chứ không phải UAV bay thấp. Năm ngoái, Iran đã cố gắng áp đảo Iron Dome bằng loạt tấn công bằng UAV và tên lửa.
“Sự dễ dàng trong việc tiếp cận công nghệ UAV thương mại và chuyển đổi chúng thành vũ khí quân sự đã giúp cả các quốc gia lẫn các nhóm phi nhà nước triển khai những hệ thống tấn công này với số lượng ngày càng lớn” - ông James Black tại tổ chức nghiên cứu RAND Europe, nhận định với Business Insider.
Ông Black cho rằng hệ thống phòng không laser có thể là giải pháp phòng thủ chi phí thấp và chính xác trước những mối đe dọa mới từ trên không.
Trong khi một UAV có giá chỉ khoảng 2.000 USD, thì tên lửa đánh chặn chúng có thể tốn tới 2 triệu USD.
“Một lớp phòng thủ laser có thể giúp giảm chi phí và tạo thời gian cho các hệ thống phòng thủ tên lửa tái nạp đạn hoặc bịt các khoảng trống mà những hệ thống khác không thể bao quát” - ông Sascha Bruchmann, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nêu quan điểm.
Cuộc chạy đua vũ khí phòng thủ laser
Tháng trước, tờ Defense News đưa tin rằng Rafael – công ty quốc phòng Israel – đã trình diễn công nghệ phòng không bằng laser tại các triển lãm vũ khí ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Công ty cho thấy họ có thể sẵn sàng bán công nghệ này cho các cường quốc khu vực.
Theo các báo cáo, Saudi Arabia cũng đang phát triển năng lực phòng không bằng laser của riêng mình dựa trên hệ thống do Trung Quốc cung cấp, trong khi UAE đang tìm cách tự phát triển công nghệ này.
Laser được thiết kế để tập trung một chùm ánh sáng cường độ cao, sử dụng nhiệt để cắt xuyên qua mục tiêu.
“Chúng có thể nhắm vào nhiều mục tiêu với chi phí thấp trên mỗi lần bắn” - ông James Black nói, nhấn mạnh rằng hệ thống laser không gặp rủi ro cạn kiệt tên lửa hay đạn dược như các hệ thống phòng không truyền thống.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết chi phí mỗi lần bắn laser có thể chỉ ở mức vài chục USD.
Tuy nhiên, một chùm laser cần độ chính xác rất cao để có thể giữ ổn định tại một điểm đủ lâu nhằm đốt xuyên mục tiêu – điều không hề dễ dàng khi đối phó với một tên lửa đạn đạo bay với tốc độ gấp hơn năm lần vận tốc âm thanh. Ngoài ra, nó cũng cần đủ công suất để nhanh chóng phá hủy mục tiêu.
Một thách thức khác là các tên lửa có thể được cải tiến bằng cách sử dụng nhựa và kim loại có khả năng chống chịu tốt hơn trước tia laser.
Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel đánh chặn tên lửa bắn từ Lebanon vào năm 2024. Ảnh: GETTY IMAGES
Không phải “viên đạn bạc”
Laser có thể là vũ khí diệt UAV hiệu quả hơn là đánh chặn tên lửa. Tuy nhiên, các vũ khí laser vẫn chưa được triển khai trên quy mô lớn và vẫn mang tính thử nghiệm.
Thời tiết xấu hoặc khói bụi cũng có thể làm suy yếu cường độ và độ chính xác của chùm tia laser. Bên cạnh đó, việc tạo ra nguồn năng lượng đủ lớn để vận hành hệ thống ở những khu vực tiền tuyến xa xôi vẫn là một thách thức.
Chuyên gia Black cho rằng các hệ thống vũ khí laser cần thời gian và nguồn lực đáng kể để hoàn thiện. Hệ thống phòng không laser của Rafael đã trải qua nhiều thập niên phát triển.
Ông Yuval Steinitz - Chủ tịch Rafael hồi tháng 12-2024 cho biết rằng một trong những thách thức lớn mà công ty gặp phải là mật độ không khí trong khí quyển có thể làm phân tán năng lượng của chùm laser.
“Chúng tôi phải tìm cách vượt qua trở ngại này và giữ cho chùm laser mạnh như lúc bắn ra” - ông Steinitz giải thích, cho biết Rafael đã giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng nhiều chùm nhỏ hơn hội tụ vào các điểm yếu trên mục tiêu để vô hiệu hóa mục tiêu.
Trong các cuộc xung đột giữa Israel và Iran – cũng như trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu khí ở những nơi như Saudi Arabia – vũ khí laser có thể chưa phải là giải pháp hoàn hảo ngay lập tức, nhưng chúng đang dần được triển khai trong thực tế.
“Đây là một loạt công nghệ đang ngày càng nhỏ gọn, nhẹ hơn, chính xác hơn và đủ bền để có thể ứng dụng vào quân sự thay vì chỉ là một dự án thử nghiệm đầy hứa hẹn” - theo chuyên gia Bruchmann nói.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/trung-dong-va-cuoc-chay-dua-vu-khi-phong-thu-laser-post841003.html