Trong một tuyên bố đưa ra ngày 16/4, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo, theo thỏa thuận đạt được giữa quân đội Trung Quốc và Ai Cập, không quân nước này sẽ cử lực lượng tới Ai Cập tham gia cuộc tập trận không quân chung mang tên “Đại bàng văn minh-2025” từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, đây là cuộc huấn luyện chung đầu tiên giữa quân đội hai nước, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thực chất, tăng cường hữu nghị và tin cậy giữa quân đội hai bên.
Mặc dù đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước, nhưng đây không phải là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc xuất hiện tại Ai Cập.
Máy bay chiến đấu J-10 của Đội bay Bát nhất Trung Quốc bay qua Kim tự tháp Giza ở Ai Cập ngày 28/8/2024. Ảnh: Tân Hoa xã
Từ 27/8 đến ngày 5/9/2024, nước này đã cử 7 máy bay chiến đấu J-10 của Đội bay nhào lộn “Bát nhất” và một máy bay vận tải Y-20 tham gia Triển lãm hàng không quốc tế Ai Cập theo lời mời của không quân quốc gia này.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết vào thời điểm đó, đây là lần đầu tiên Đội bay “Bát nhất” của không quân nước này thực hiện chuyến bay trình diễn tại một quốc gia châu Phi và đây cũng là chặng bay xa nhất mà đội bay này từng thực hiện ở nước ngoài. Ông khẳng định, sự kiện này thể hiện sự tự tin và cởi mở của không quân Trung Quốc, đồng thời giúp thắt chặt hơn giao lưu văn hóa và trao đổi hữu nghị giữa hai quốc gia và hai quân đội.
Trong chuyến thăm, các máy bay J-10 và Y-20 đã bay qua Kim tự tháp Giza, theo hãng thông tấn Tân Hoa.
Trước đó, theo dữ liệu theo dõi từ các nền tảng như Flightradar24 và các nguồn tình báo mã nguồn mở, có 5-6 chiếc máy bay vận tải quân sự Y-20 của Trung Quốc hạ cánh xuống Ai Cập. Sự kiện này đã thu hút sự tò mò và tranh luận trong giới phân tích cũng như những người yêu thích quân sự. Sự hiện diện của các máy bay vận tải cỡ lớn này cho thấy mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Ai Cập đang ngày càng sâu sắc.
Chuyên gia Trung Quốc cho biết, việc không quân Trung Quốc bay đến Ai Cập đánh dấu một chặng bay đường dài. Những cuộc diễn tập như vậy có thể thúc đẩy khả năng chiến đấu đường dài và khả năng thích ứng của không quân nước này với các môi trường đa dạng ở các khu vực khác nhau.
Trong khi đó, theo nhận định của truyền thông quốc tế, việc triển khai Y-20 – một biểu tượng quan trọng trong năng lực không vận đang tăng trưởng của Trung Quốc – phản ánh một sự thay đổi địa chính trị rộng lớn hơn, thậm chí có thể tái định hình các liên minh và cán cân quyền lực tại Trung Đông và Bắc Phi – khu vực vốn lâu nay chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phương Tây và Nga.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh