Mỹ phải chịu mức thuế chống bán phá giá đối với nhựa POM copolymer lên tới 74,9% từ Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
"Các sản phẩm nhựa POM copolymer có xuất xứ Mỹ, Liên minh châu Âu, Đài Loan và Nhật Bản đã bị bán phá giá tại thị trường Trung Quốc, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa", Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vào ngày 18/5.
Động thái áp thuế mới được đánh giá là phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh sau khi Mỹ gần đây gia tăng áp thuế lên hàng loạt mặt hàng công nghệ cao từ Trung Quốc, theo Reuters.
Cuộc điều tra chống bán phá giá với mặt hàng này được phía Trung Quốc khởi động từ tháng 5/2024, không lâu sau khi Washington tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với xe điện, chip bán dẫn và nhiều sản phẩm chiến lược khác từ Trung Quốc.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, POM copolymer là loại nhựa kỹ thuật có tính ứng dụng cao, có thể thay thế một phần các kim loại như đồng và kẽm, được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp ôtô, thiết bị điện tử và y tế.
Tháng 1 vừa qua, sau điều tra sơ bộ, cơ quan này kết luận có dấu hiệu rõ ràng của hành vi bán phá giá và đã tạm thời áp dụng biện pháp đặt cọc chống bán phá giá đối với các lô hàng nhập khẩu liên quan từ ngày 24/1.
Cụ thể, mức thuế cao nhất lên tới 74,9% được áp cho các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Các mặt hàng từ EU bị áp thuế 34,5%, trong khi Nhật Bản chịu mức thuế 35,5%, ngoại trừ tập đoàn Asahi Kasei được hưởng mức ưu đãi riêng là 24,5%.
Đối với Đài Loan, mức thuế chung là 32,6%. Tuy nhiên, hai tập đoàn lớn là Formosa Plastics và Polyplastics Taiwan lần lượt chỉ phải chịu mức thuế 4% và 3,8%, nhờ vào các điều kiện cụ thể mà Trung Quốc cho là phù hợp với quy định chống bán phá giá của nước này.
Thuế này có hiệu lực từ ngày 19/5 và kéo dài trong 5 năm, China Daily cho biết.
Đáng chú ý, lệnh áp thuế mới được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vừa tuyên bố đạt được thỏa thuận "đình chiến thương mại" kéo dài 90 ngày tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 12/5, với cam kết giảm dần các mức thuế trả đũa lẫn nhau. Tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc, hôm 16/5 cho rằng thỏa thuận này nên được kéo dài để tạo thêm không gian đàm phán.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát, đặc biệt khi các biện pháp thuế quan mang tính trả đũa như trên tiếp tục được triển khai.
Trong một diễn biến liên quan, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa ra thông cáo cảnh báo hệ thống thương mại toàn cầu đang phải đối mặt với "những thách thức mang tính nền tảng" sau cuộc họp tại Hàn Quốc tuần qua.
Phương Linh