Trào lưu chơi "túi mù" để "chữa lành" gây chú ý tại Trung Quốc. Ảnh: Pop Mart.
Theo SCMP, Pop Mart, nhà bán lẻ đồ chơi "túi mù" (blind bag) hàng đầu Trung Quốc, dự kiến doanh thu quý III/2024 tăng khoảng 120-125%. Mức tăng trưởng này được cho là vượt xa kỳ vọng của thị trường.
Tình hình kinh doanh khởi sắc của Pop Mart là điểm sáng hiếm hoi giữa nền kinh tế ảm đạm tại đất nước tỷ dân. Thương hiệu này bất ngờ thu hút hàng triệu khách hàng gen Z mạnh tay chi tiền cho những món đồ chơi nhỏ nhưng mang lại nhiều giá trị tinh thần.
Một "túi mù" nhỏ của Pop Mart thường có giá 69-79 nhân dân tệ (10-11 USD), trong khi các hộp lớn có thể được bán với giá vài nghìn nhân dân tệ.
Theo thống kê, có khoảng 280 triệu người thuộc thế hệ gen Z tại Trung Quốc, đang cùng thúc đẩy xu hướng tiêu dùng cảm xúc khi sẵn sàng vung tiền cho những món đồ chơi vô dụng và đắt đỏ, nhưng lại mang đến niềm vui hoặc giúp cải thiện tâm trạng.
"Họ có nhu cầu cảm xúc cao khi sống và làm việc với tốc độ nhanh và dưới áp lực lớn", Mo Daiqing, một nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Điện tử Trung Quốc nhận định.
Các sản phẩm như "túi mù", phụ kiện kỳ quặc và đồ trang trí đã trở thành những món hàng được giới trẻ săn lùng. Những món đồ này thường không có nhiều chức năng, song đóng vai trò là nguồn an ủi, giải trí hoặc thể hiện bản thân của gen Z.
"Túi mù" hoặc "hộp mù" là những sản phẩm được ẩn giấu trong bao bì, khiến người tiêu dùng không thể biết trước nội dung bên trong cho đến khi mua và mở ra. Điều này kích thích sự tò mò của khách hàng và tăng thêm tính hấp dẫn cho sản phẩm.
Cao Zuo, một sinh viên đại học ở Thượng Hải (Trung Quốc) và là người hâm mộ đồ chơi Pop Mart, cho biết những người tiếp tục mua "hộp mù" đang trả tiền cho tình yêu vì chúng chứa đựng những sản phẩm đáng yêu mang lại một loại sự thỏa mãn tinh thần.
Sở thích này cũng đã góp phần vào sự thành công của Jellycat, thương hiệu đồ chơi nhồi bông của Anh. Hiện, Jellycat là một trong những hãng đồ chơi nhồi bông phổ biến nhất ở Trung Quốc.
Bất chấp mức giá cao, vài trăm nhân dân tệ cho một món đồ nhỏ, các cửa hàng trải nghiệm của thương hiệu này luôn đông đúc, và khách hàng cần phải đặt lịch hẹn trước để vào. Nhu cầu cao dẫn đến việc xuất hiện các tay buôn bán vé hẹn, những người kiếm lời từ việc bán lại các lịch hẹn.
Gần 30% người trẻ Trung Quốc sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm có giá trị tinh thần và khả năng chữa lành, theo kết quả khảo sát được công bố bởi Seashell Finance vào tháng 7.
Vào tháng 5, Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc cũng đã chỉ ra trong báo cáo quyền lợi người tiêu dùng hàng năm rằng ngoài việc theo đuổi hiệu quả chi phí, việc giải tỏa cảm xúc sẽ trở thành một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của thế hệ tiêu dùng trẻ hơn, và gọi đó là một điểm nóng tiêu dùng mới trong tương lai.
Cao Zuo cho biết gen Z Trung Quốc nhờ vào cuộc sống phong phú về vật chất và thông tin thường không nhạy cảm với giá cả, và một số người mua "hộp mù" một cách ngẫu hứng. Cô nhận định những đồ chơi thiết kế trong "hộp mù" của Pop Mart không chỉ là hình ảnh vẽ, mà còn chứa đựng các yếu tố tinh thần khó tìm thấy trong thực tế.
Tuy nhiên, chuyên gia Mo Daiqing cho rằng mặc dù giá cao, những món đồ này vẫn trong khả năng chi trả của hầu hết mọi người vì không phải hàng thiết yếu hàng ngày. "Mọi người ngày càng chú trọng trải nghiệm mua sắm, điều mà một số thương hiệu như Jellycat thực hiện rất tốt, giúp người tiêu dùng cảm thấy hạnh phúc và thư giãn", cô nhận định.
Cẩm Tú