Lệnh cấm trên được đưa ra sau vụ tai nạn chết người liên quan đến một chiếc SU7 bán rất chạy của Xiaomi vào tháng 3, làm dấy lên lo ngại về sự an toàn xe. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy chiếc SU7 đâm vào cột bê tông bên đường với tốc độ 97 km/giờ chỉ vài giây sau thời điểm tài xế lấy lại quyền kiểm soát từ hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến (ADAS).
Hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến (ADAS) bị siết chặt giám sát - Ảnh: Reuters/Mike Blake
MIIT xác nhận, tại cuộc họp, bộ làm rõ loạt quy định mới về việc nâng cấp công nghệ hỗ trợ lái cho phương tiện thông minh công bố tháng 2 trước. Theo đó, nếu không được chấp thuận, các hãng xe không còn được phép thử nghiệm và cải thiện ADAS của mình thông qua bản cập nhật phần mềm từ xa với xe đã bán nữa. Họ phải thực hiện đủ thử nghiệm để đảm bảo độ tin cậy, đồng thời xin cơ quan chức năng cấp phép mới triển khai. Huawei (đơn vị cung cấp ADAS cho ít nhất 7 hãng xe, trong đó có Audi ở Trung Quốc) đã tham dự cuộc họp.
Trung Quốc siết chặt giám sát giữa lúc các hãng xe chạy đua trình làng nhiều mẫu xe mới trang bị ADAS. Tính năng “lái thông minh” được xem như điểm nhấn quan trọng nhằm tránh kéo dài cạnh tranh giá sang năm thứ 3. BYD mở màn cuộc cạnh tranh bằng ít nhất 21 mẫu xe giá dưới 10.000 USD/chiếc, sở hữu tính năng “lái thông minh” miễn phí. Vài đối thủ như Leapmotor, Toyota lập tức chạy theo.
Bên cạnh ADAS, Trung Quốc còn tăng cường quản lý ngành xe điện (EV) đang phát triển quá “nóng”. Doanh số EV lẫn xe xăng - điện (hybrid) chiếm hơn một nửa tổng doanh số cuối năm ngoái. Giới chức nước này siết chặt quy định về tiêu chuẩn pin để giảm thiểu rủi ro cháy nổ.
Cẩm Bình