Tổng thống Cộng hòa Congo Denis Sassou Nguesso gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, ngày 7/1, tại Brazzaville. (Nguồn: Xinhua)
Những năm gần đây, với tư cách là “một tác nhân và nguồn cảm hứng”, Trung Quốc đã trở thành trung tâm trong chính sách của châu Phi. Theo con số thống kê mới nhất, đã 15 năm liền, Trung Quốc giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu lục này đã vượt quá 40 tỷ USD, trở thành một trong những nguồn đầu tư nước ngoài chủ yếu của châu Phi.
Rõ ràng Bắc Kinh cũng hưởng lợi khi châu Phi giàu tài nguyên trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng và thị trường tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu lớn cho nền kinh tế đang phát triển nóng của Trung Quốc. Quan hệ tốt đẹp với châu Phi còn giúp Bắc Kinh có được sự ủng hộ to lớn trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu gay gắt, việc Mỹ giảm ảnh hưởng ở châu Phi là cơ hội để Trung Quốc đặt chân sâu thêm vào khu vực này. Chuyến công du của ông Vương Nghị là bước đi nhằm hiện thực hóa Kế hoạch hành động Bắc Kinh (2025-2027) mà Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi thông qua hồi năm ngoái.
Tầm nhìn của Bắc Kinh với châu Phi đầy tham vọng. Trong ba năm tới, với khoản hỗ trợ tài chính trị giá 51 tỷ USD, Trung Quốc sẽ triển khai 10 hành động hợp tác với châu Phi trên khắp các lĩnh vực, tạo ra khoảng 1 triệu việc làm. Bắc Kinh cũng dự định xây dựng 25 trung tâm nghiên cứu châu Phi và mời 1.000 quan chức, chính trị gia đến Trung Quốc để tìm hiểu về quản trị hiện đại.
Phần thưởng cho những nỗ lực trên được thể hiện qua kết quả cuộc khảo sát gần đây của Quỹ Gia đình Ichikowitz có trụ sở tại Nam Phi cho thấy Trung Quốc hiện là lực lượng nước ngoài có tác động tích cực nhất đến giới trẻ ở châu Phi. Đó là nền tảng vững chắc để Bắc Kinh vươn tầm ảnh hưởng ở lục địa này.
TIẾN THÀNH