Theo tờ SCMP, loại vũ khí mới sử dụng loại đạn 7,62mm và có sơ tốc đầu nòng 740-900m/giây giống hệt như nguyên mẫu súng trường tấn công huyền thoại AK-47.
Song, điểm cải tiến chính của loại súng trường mới này là độ giật rất nhẹ gần như không cảm nhận được. Điều này đồng nghĩa ngay cả những UAV thương mại hoặc robot đồ chơi thông thường cũng có thể được lắp đặt loại vũ khí này.
Cơ chế khai hỏa đặc biệt của loại súng trường mới do Trung Quốc chế tạo để gắn trên UAV (Ảnh: Đại học Bắc Trung Hoa).
Trước đó, khả năng lắp đặt súng trường trên UAV chỉ có ở trong phim ảnh. Trên chiến trường thực tế như ở Ukraine, những mẫu UAV chiến đấu chỉ có thể thả lựu đạn hoặc đạn pháo.
Ngay cả các thiết bị không người lái đặc chủng và được cải tiến mạnh mẽ cũng gặp vô vàn khó khăn trong việc kiểm soát độ giật của súng máy khi khai hỏa làm giảm độ chính xác của đạn khi tấn công mục tiêu.
Giờ đây, vấn đề này đã hoàn toàn được giải quyết nhờ giải pháp súng trường không giật do nhóm của Giáo sư Liu Pengzhan tại Đại học Bắc Trung Hoa nghiên cứu và phát triển.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy việc khoan một lỗ ở phía sau nòng súng sẽ giúp giải phóng xung kích khí xảy ra khi thuốc súng được kích nổ. Để duy trì sơ tốc đầu nòng, các nhà khoa học đã thiết kế loại đạn mới có lớp màng chịu lực được bịt ở phía sau và một chip cảm ứng điện từ ở bên trong.
Khi khai hỏa, chip sẽ đánh lửa làm cháy thuốc phóng, gây áp lực phá vỡ lớp màng chịu lực đẩy viên đạn rời khỏi nòng súng. Cơ chế khai hỏa mới này giúp giảm độ giật trong khi vẫn duy trì sơ tốc đầu nòng cao khi viên đạn được bắn đi.
Theo các nhà nghiên cứu, khẩu súng này có cấu trúc đơn giản và chi phí sản xuất thấp. Cụ thể, nhà sản xuất chỉ cần đặt một cuộn dây nhỏ trong nòng súng để kích nổ con chip và bảo vệ cuộn dây này bằng một lớp gốm chịu nhiệt và áp suất cao.
Thông tin chi tiết về dự án nói trên được công bố trên tạp chí khoa học Acta Armamentarii hồi đầu tháng 11.
Giáo sư Liu cho hay các cuộc thử nghiệm đã chứng minh được hiệu quả của loại vũ khí mới này.
Cụ thể, trong quá trình thử nghiệm, khẩu súng trường tấn công dựa trên mẫu AK-47 được treo trên không và khai hỏa liên tục mà chỉ gây ra độ giật khoảng 1,8cm.
Trước đó, hồi năm 2016, Trung Quốc từng đề xuất Liên hợp quốc cấm việc cải hoán UAV thành các loại vũ khí sát thương. Tại thời điểm đó, Trung Quốc là Ủy viên Thường trực đầu tiên của Hội đồng Bảo an đưa ra đề xuất này.
Đến năm 2021, Trung Quốc cùng hơn 100 quốc gia khác lại đệ trình đề xuất đó lên Liên Hợp Quốc song bị Mỹ và Nga phủ quyết.
Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc tích cực bắt tay vào phát triển các loại UAV tấn công và đạt được những bước tiến đáng kể.
Song, trước những lo ngại về khả năng các quốc gia khác lạm dụng UAV vào mục đích xấu, Trung Quốc gần đây đã bổ sung sản phẩm UAV lưỡng dụng và các công nghệ liên quan vào danh sách hạn chế xuất khẩu.
Khánh An