Một tàu chở hàng tại cảng Balboa trước khi băng qua Kênh đào Panama
“Bắc Kinh kiên quyết phản đối Mỹ sử dụng áp lực và cưỡng ép để bôi nhọ và phá hoại hợp tác Vành đai và Con đường”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7-2 Lâm Kiếm lên tiếng. “Các cuộc tấn công của phía Mỹ... một lần nữa phơi bày bản chất bá quyền của họ”.
Đề cập đến chuyến thăm khu vực của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trong tuần này, Người phát ngôn Lâm Kiếm cho biết, những bình luận của Ngoại trưởng Mỹ cố tình gieo rắc bất hòa giữa Trung Quốc và các quốc gia Mỹ Latinh có liên quan, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm suy yếu các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc.
Cho đến nay, hơn 20 quốc gia Mỹ Latinh nằm trong số hơn 150 nước đã tham gia BRI kể từ khi Trung Quốc triển khai vào năm 2013. Panama vào năm 2017 đã trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực chính thức tham gia kế hoạch cơ sở hạ tầng khổng lồ này. Đây là trụ cột chính trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhưng hôm 6-2, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino cho biết, quốc gia này đã chính thức nộp thông báo rằng họ sẽ rời khỏi dự án. Thông báo được đưa ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, người cũng đã tham quan Kênh đào Panama.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc Panama nhượng quyền kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược này cho Trung Quốc, bất chấp sự phủ nhận từ cả hai nước.
Tổng thống Mulino phủ nhận rằng Mỹ đã thúc đẩy Panama thực hiện động thái rời khỏi BRI. Bắc Kinh ngày 7-2 khẳng định rằng họ “ủng hộ chủ quyền của Panama đối với kênh đào”.
“Chúng tôi hy vọng Panama sẽ đưa ra quyết định đúng đắn dựa trên tình hình chung của quan hệ song phương và lợi ích lâu dài của hai dân tộc, đồng thời loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài”, ông Lâm Kiếm cho biết.
Yên Vũ