Theo Live Science, trong tháng 5, nhà khoa học hành tinh Mahesh Anand từ Đại học Mở tại Milton Keynes (Anh) đã đến Trung Quốc để tiếp nhận 60 miligam mẫu vật đá Mặt trăng, một phần nhỏ trong số 1.731 gam mà tàu Hằng Nga 5 đã mang về từ bề mặt Mặt trăng. Những mẫu vật này đang được chia sẻ với các nhà nghiên cứu tại nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Ethiopia, Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, trong khi các cơ quan tài trợ nhà nước tại châu Âu và các nước khác hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu các mẫu Hằng Nga 5, thì tại Mỹ, việc sử dụng ngân sách chính phủ cho mục đích này là bị cấm hoàn toàn. Các nhà khoa học Mỹ muốn nghiên cứu mẫu vật này phải dựa vào nguồn tài trợ tư nhân.
Một màn hình hiển thị hình ảnh tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Hằng Nga 5 trong một sự kiện về chương trình khám phá mặt trăng của Trung Quốc, được tổ chức tại Đài thiên văn quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Nguyên nhân đến từ Tu chính án Wolf, một điều khoản được bổ sung vào ngân sách liên bang năm 2011, do Thượng nghị sĩ Frank Wolf khởi xướng. Luật này cấm mọi hình thức hợp tác song phương giữa NASA (và bất kỳ nhà khoa học nào nhận tài trợ từ cơ quan này) với Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) và các tổ chức liên quan, trừ khi được quốc hội Mỹ chấp thuận trước.
Mục tiêu của Tu chính án Wolf là ngăn chặn nguy cơ rò rỉ công nghệ nhạy cảm từ các chương trình không gian Mỹ sang Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh các lo ngại về mục đích quân sự của chương trình vũ trụ Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Đối với giới khoa học, đây lại là một rào cản lớn cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu cơ bản. Trong quá khứ, khoa học từng là cầu nối hiệu quả giữa các quốc gia đối đầu.
Chẳng hạn, trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô vẫn phối hợp với nhau trong chương trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất (SETI), thậm chí tổ chức các hội nghị chung từ năm 1971. Năm 1975, hai quốc gia còn cùng thực hiện sứ mệnh Apollo-Soyuz, minh chứng cho tinh thần hợp tác khoa học vượt qua ranh giới chính trị. Tu chính án Wolf đã khiến khả năng hợp tác tương tự giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên gần như bất khả thi.
Timothy Glotch, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Stony Brook (Mỹ), là trường hợp hiếm hoi ở Mỹ được tiếp cận một mẫu vật Hằng Nga 5. Tuy nhiên, để thực hiện nghiên cứu, ông đã phải tự tìm nguồn tài trợ thông qua chính trường đại học của mình thay vì từ NASA. Nhóm nghiên cứu của ông còn bao gồm các chuyên gia từ Đại học San Francisco và Đại học Hồng Kông.
May mắn thay, phía Trung Quốc không yêu cầu các nhà khoa học quốc tế phải được chính phủ hỗ trợ mới được tiếp cận mẫu. Nhờ đó, nhóm của Glotch vẫn có thể tiến hành nghiên cứu nếu nguồn tài chính đến từ khu vực tư nhân.
Theo kế hoạch, Glotch sẽ phân tích đặc tính nhiệt của mẫu bằng cách nung nóng và so sánh dữ liệu thu được với các bản đồ nhiệt bề mặt Mặt trăng, nhằm xác định sự khác biệt về thành phần giữa các khu vực. Việc so sánh trực tiếp mẫu Hằng Nga 5 với các mẫu Apollo trong cùng một phòng thí nghiệm sẽ giúp làm rõ những khác biệt địa chất giữa các vùng mặt trăng, đặc biệt liên quan đến hoạt động núi lửa cổ đại.
Mẫu vật từ Hằng Nga 5 được thu thập từ một khu vực núi lửa cổ trong đại dương dung nham lớn có tên Oceanus Procellarum hay còn gọi là “đại dương bão tố”. Phân tích ban đầu từ các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy vật liệu bazan trong mẫu vật này trẻ hơn hàng tỉ năm so với các mẫu núi lửa do các sứ mệnh Apollo thu thập.
Dữ liệu mới này cung cấp bằng chứng cho thấy hoạt động núi lửa trên mặt trăng có thể đã kéo dài lâu hơn nhiều so với ước tính trước đây, thậm chí có thể mới chỉ kết thúc khoảng 120 triệu năm trước tương đối gần nếu so với tuổi của Hệ Mặt trời.
Trong khi đó tại Anh, nhóm nghiên cứu của Mahesh Anand cũng đang triển khai các phân tích sâu hơn. Một phần trong số 60 miligam mẫu được cấp sẽ được nung nóng ở nhiệt độ lên tới 1.400 độ C nhằm chiết xuất các khí hiếm như argon, krypton, cùng với carbon, nitơ và oxy. Những dữ liệu này có thể giúp truy nguyên lịch sử hình thành của các nguyên tố trong hệ mặt trời, một mục tiêu lâu dài trong nghiên cứu địa chất hành tinh.
Việc Mỹ bị loại khỏi hệ thống hợp tác mẫu vật Hằng Nga 5 là một tổn thất lớn cho giới khoa học hành tinh nước này. Trong khi các phòng thí nghiệm tại Anh, Nga, châu Phi hay châu Á được tự do tiếp cận và nghiên cứu mẫu vật Mặt trăng hiện đại nhất từng được thu thập trong 50 năm qua, thì các nhà khoa học Mỹ phải đi đường vòng, phụ thuộc vào tài trợ tư nhân hoặc hợp tác gián tiếp.
Tu chính án Wolf, từ góc nhìn an ninh quốc gia Mỹ, có thể vẫn giữ vai trò rào chắn chiến lược. Tuy nhiên, đối với cộng đồng khoa học, nó đang ngăn cản một thế hệ nhà nghiên cứu Mỹ tham gia trực tiếp vào những tiến bộ mới nhất về hiểu biết địa chất mặt trăng và lịch sử Hệ Mặt trời, một điều mà các quốc gia khác đang khai thác hiệu quả.
Hoàng Vũ