Quang cảnh cảng hàng hóa tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trung Quốc đang thể hiện rõ nét sự chuyển hướng chiến lược trong hoạt động xuất khẩu khi tập trung mạnh mẽ vào thị trường các nước đang phát triển và mới nổi, hay còn gọi là "Nam toàn cầu". Số liệu mới nhất cho thấy, vào tháng 12/2024, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang các nước Nam toàn cầu đạt 137 tỷ USD, vượt xa con số 108 tỷ USD xuất khẩu tới các thị trường phát triển.
Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12 năm ngoái ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua cả dự báo 7,3% của giới phân tích và cao hơn mức tăng 6,7% của tháng 11. Động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng này đến từ các thị trường Nam toàn cầu, đặc biệt là những quốc gia đang được Trung Quốc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Sự dịch chuyển này được thể hiện rõ qua việc tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ - vốn là thị trường truyền thống quan trọng của Trung Quốc - đã giảm đáng kể từ 20% năm 2018 xuống còn 15% hiện nay. Điều này cho thấy Washington đang dần mất đi đòn bẩy trong việc gây sức ép với Bắc Kinh thông qua các biện pháp hạn chế thương mại như thuế quan.
Trong bối cảnh đó, Indonesia nổi lên như một điểm sáng trong chiến lược chuyển dịch này của Trung Quốc. Trong tháng 12/2024, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận mức tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 50% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong 4 năm qua, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Indonesia đã tăng gấp ba lần, đạt khoảng 9 tỷ USD mỗi tháng, tương đương 108 tỷ USD/năm.
Theo đánh giá của Quỹ Carnegie, thành công này có được nhờ chiến lược đầu tư dài hơi của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Indonesia bao gồm nhiều lĩnh vực trọng điểm như tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, mạng băng thông rộng 5G quốc gia, cảng container và kho tự động. Những khoản đầu tư này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP của Indonesia đạt mức 5% trong giai đoạn 2023-2024, thuộc nhóm cao nhất khu vực.
Xu hướng chuyển dịch thương mại này không chỉ giới hạn ở Indonesia. Số liệu so sánh năm 2024 với 2023 cho thấy nhiều nền kinh tế đang phát triển khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong nhập khẩu từ Trung Quốc. Brazil tăng 18%, trong khi Kazakhstan - nền kinh tế lớn nhất Trung Á - cũng tăng gần 20%. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu chỉ tăng nhẹ, thậm chí Nhật Bản còn ghi nhận mức giảm.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo asiatimes.com)