Trung Quốc có bước tiến vượt bậc, nóng cuộc đua tỷ USD tới vùng tối mặt trăng

Trung Quốc có bước tiến vượt bậc, nóng cuộc đua tỷ USD tới vùng tối mặt trăng
6 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc đã hiện diện bí mật ở vùng tối mặt trăng?
Trong tập 202 của podcast “The Shawn Ryan Show” do cựu đặc nhiệm hải quân Mỹ Shawn Ryan sáng lập và dẫn dắt, Trung tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Steve Kwast - hiện là CEO của SpaceBilt - đã gây sốc khi tiết lộ rằng Trung Quốc đang âm thầm khai thác helium-3 ở vùng tối của mặt trăng, nơi không thể quan sát từ trái đất.
Theo Kwast, Trung Quốc đã ở phía bên kia của mặt trăng trong ít nhất hai năm và "một điều chắc chắn là họ đang khai thác helium-3".
Theo ông Kwast, helium-3, một đồng vị cực kỳ hiếm trên Trái đất nhưng lại hiện diện dồi dào trên mặt trăng, có thể cung cấp năng lượng sạch gần như vô hạn cho nhân loại trong hàng thiên niên kỷ. Quan trọng hơn, đây là nguyên tố duy nhất có khả năng làm mát máy tính lượng tử xuống nhiệt độ cực thấp, cho phép chúng hoạt động hiệu quả.
Kwast cảnh báo, nếu Trung Quốc kiểm soát được nguồn tài nguyên này, máy tính lượng tử sẽ hoạt động siêu tốc và họ có thể phá vỡ mọi hệ thống mã hóa toàn cầu (cũng như lập nên hệ thống mã hóa siêu vững chắc), từ ngân hàng, Bitcoin đến mã quân sự, từ đó dẫn đầu cuộc đua công nghệ lượng tử và định hình tương lai kinh tế - quân sự thế giới.
Tàu thăm dò Mặt Trăng - Hằng Nga 6 của Trung Quốc. Ảnh: CNSA
Kwast bày tỏ sự thất vọng về việc Mỹ thiếu cơ sở hạ tầng giám sát, như vệ tinh hay công cụ quan sát, để theo dõi hoạt động của Trung Quốc ở vùng tối mặt trăng. Mỹ được cho là đang thiếu chiến lược công nghệ không gian phù hợp trong dài hạn.
Cuộc đua chinh phục mặt trăng, đặc biệt là vùng tối, không chỉ có Trung Quốc mà còn có sự tham gia của Mỹ, Nga và Ấn Độ. Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể.
Sứ mệnh Hằng Nga 4 năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên nhân loại hạ cánh nhẹ nhàng ở vùng tối mặt trăng, với robot tự hành Thỏ Ngọc 2 hoạt động hiệu quả.
Đến tháng 6/2024, tàu Hằng Nga 6 tiếp tục ghi dấu lịch sử khi thu thập 1.935,3 gram mẫu đất đá từ vùng tối, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nhiệm vụ này. Các mẫu vật này đã được trưng bày tại Hội nghị Hàng không Vũ trụ Quốc tế (IAC) lần thứ 75 tại Milan, Italy vào tháng 10/2024 và được chia sẻ với các trường đại học ở Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh và Pakistan, thể hiện sự hợp tác khoa học bất chấp căng thẳng địa chính trị.
Trong khi đó, chương trình Artemis của Mỹ, với mục tiêu đưa phi hành gia trở lại mặt trăng vào năm 2027, đang đối mặt với nguy cơ chậm trễ do cắt giảm ngân sách, đặc biệt với trạm vũ trụ quỹ đạo Gateway.
Nga, từng cân nhắc tham gia Artemis, đã chuyển hướng hợp tác với Trung Quốc từ năm 2021, với kế hoạch xây dựng Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) vào năm 2036, sử dụng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ.
Ấn Độ cũng khẳng định vị thế với sứ mệnh Chandrayaan-3, hạ cánh thành công gần cực Nam mặt trăng vào tháng 8/2023, với chi phí chỉ 74 triệu USD, được so sánh với kế hoạch ngân sách khổng lồ 93 tỷ USD của Artemis đến năm 2025.
Bề mặt Mặt Trăng là nơi chứa nhiều tài nguyên chưa được khai quật. Đồ họa cực nam của Mặt Trăng mà các nhà khoa học cho rằng có thể chứa kim loại hiếm, heli và nước đá. Ảnh: DM
Tác động kinh tế và vị thế chiến lược trong thế kỷ 21
Cuộc đua chinh phục vùng tối mặt trăng không chỉ là câu chuyện công nghệ mà còn là cuộc chiến kinh tế và địa chính trị. Vùng tối mặt trăng, với lượng băng nước tiềm năng và helium-3, được xem như "mỏ vàng vũ trụ".
Băng nước có thể được tách thành oxy và hydro, tạo ra nhiên liệu vũ trụ, hỗ trợ định cư lâu dài, khai thác mỏ và các nhiệm vụ tới sao Hỏa. Helium-3, như Kwast nhấn mạnh, không chỉ là nguồn năng lượng sạch. Nó còn là chìa khóa cho công nghệ lượng tử, với khả năng định hình tương lai mã hóa và an ninh mạng.
Trung Quốc, với các sứ mệnh Hằng Nga và kế hoạch ILRS cùng Nga, đang xây dựng một chiến lược dài hạn để thống trị không gian. Thỏa thuận Trung Quốc - Nga vào tháng 4/2025 về kế hoạch nhà máy điện hạt nhân trên mặt trăng, dự kiến hoàn thành năm 2036, là bước tiến lớn nhằm cung cấp năng lượng cho căn cứ ILRS.
Khoảng 17 quốc gia đã bày tỏ quan tâm hoặc tham gia vào kế hoạch ILRS, từ Ai Cập, Pakistan đến Nam Phi, ILRS đang trở thành đối trọng chiến lược với chương trình Artemis của Mỹ. Trong khi Mỹ tập trung vào hợp tác với các đồng minh phương Tây, Trung Quốc và Nga mở rộng ảnh hưởng tới các nước Trung Đông, Nam Á và châu Phi, tạo ra một mạng lưới đối tác đa dạng.
Về mặt kinh tế, kiểm soát tài nguyên mặt trăng có thể mang lại lợi thế vượt trội. Helium-3, nếu được khai thác hiệu quả, có thể cung cấp năng lượng cho hàng thiên niên kỷ, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy một nền kinh tế không gian bền vững.
Artemis 1, trước đây là Exploration Mission-1, là nhiệm vụ đầu tiên trong một loạt các nhiệm vụ ngày càng phức tạp hơn sẽ cho phép con người thám hiểm mặt trăng và sao Hỏa. Đồ họa này giải thích các giai đoạn khác nhau của nhiệm vụ. Nguồn: DM
Hơn nữa, máy tính lượng tử sử dụng helium-3 sẽ đạt được tốc độ siêu nhanh, có thể phá vỡ các hệ thống mã hóa hiện tại, mang lại lợi thế chiến lược trong các lĩnh vực tài chính, quân sự và an ninh mạng.
Theo ước tính của Morgan Stanley, thị trường không gian toàn cầu, hiện trị giá khoảng 350 tỷ USD, có thể cán mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2040. Quốc gia nào dẫn đầu trong khai thác tài nguyên mặt trăng sẽ nắm giữ phần lớn lợi ích kinh tế này.
Về mặt địa chính trị, cuộc đua mặt trăng đang định hình lại cán cân quyền lực. Mỹ, với chương trình Artemis, vẫn giữ lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm, nhưng sự chậm trễ và cắt giảm ngân sách có thể khiến Washington mất đi vị thế dẫn đầu.
Trong khi đó, Trung Quốc, với tốc độ đầu tư nhanh chóng (12 tỷ USD cho chương trình không gian năm 2022) và chiến lược hợp tác đa phương, đang vươn lên mạnh mẽ. Ấn Độ, với chi phí thấp và thành công của Chandrayaan-3, cũng đang trở thành một đối thủ đáng gờm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ giá rẻ.
Nhóm nghiên cứu vũ trụ của Morgan Stanley ước tính ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu trị giá khoảng 350 tỷ USD có thể tăng vọt lên hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2040. Nguồn: MS
Tuy nhiên, cuộc đua này cũng đặt ra thách thức về luật pháp quốc tế. Hiệp ước Không gian 1967 quy định rằng mặt trăng là tài sản chung của nhân loại, nhưng thiếu cơ chế rõ ràng về phân chia tài nguyên.
Nếu một quốc gia, như Trung Quốc chẳng hạn, độc quyền khai thác helium-3, có thể dẫn đến căng thẳng toàn cầu và nguy cơ xung đột. Việc thiết lập các tiêu chuẩn khai thác công bằng và ngăn chặn độc quyền là yếu tố then chốt để duy trì hòa bình trong không gian.
Có thể thấy, vùng tối mặt trăng đang trở thành tâm điểm của cuộc chiến kinh tế và địa chính trị giữa các siêu cường. Kiểm soát helium-3 và băng nước không chỉ mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ mà còn định hình vị thế chiến lược trong thế kỷ 21.
Mỹ có thể sẽ phải đẩy mạnh đầu tư cho các dự án không gian hơn, trong bối cảnh Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đang bứt tốc. Cuộc đua này có thể định hình quyền lực và tương lai của nhân loại.
Mạnh Hà
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/trung-quoc-co-buoc-tien-vuot-bac-nong-cuoc-dua-ty-usd-toi-vung-toi-mat-trang-2404711.html