Ngày 10-2, mức thuế mới của Trung Quốc đối với một số hàng hóa nhập từ Mỹ, bao gồm 15% đối với than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và một số dòng ô tô, đã chính thức có hiệu lực.
Thông tin về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ đã được Bắc Kinh công bố hôm 4-2, chỉ vài phút sau khi Washington áp thuế bổ sung 10% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một số nhà quan sát nhận định rằng dựa trên kinh nghiệm từ các chính sách của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2020), Trung Quốc đã có sự chuẩn bị cho một đợt căng thẳng thương mại mới, cũng như mở rộng danh sách lựa chọn trả đũa và mối quan tâm liên quan, theo kênh Channel News Asia.
Trung Quốc đã có sự chuẩn bị, vạch ra chiến lược đối phó lâu dài
Chuyên gia Alex Capri thuộc Trường Kinh doanh (ĐH Quốc gia Singapore) cho rằng “rõ ràng Trung Quốc đã hiểu được cuộc chơi trung và dài hạn” về thuế quan với Tổng thống Trump.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh minh họa: FIRSTPOST
“Khi nói đến cạnh tranh địa chính trị rộng lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ thì Trung Quốc có thể xem xét những biện pháp như tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền, tiến hành các cuộc kiểm toán nhắm vào các công ty Mỹ tại Trung Quốc và áp dụng các biện pháp kiểm soát và hạn chế xuất khẩu” – ông Capri nhận định.
Một trong những phương án này đã thực sự được Trung Quốc khởi động. Gã khổng lồ công nghệ Google hôm 4-2 đã bị Bắc Kinh điều tra chống độc quyền và bị cảnh báo về khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Ngoài ra, ông Capri còn chỉ ra rằng Trung Quốc có thể viện dẫn lý do chống gián điệp để “gây sức ép lên các công ty đa quốc gia Mỹ đang kinh doanh ở Trung Quốc, để họ gây sức ép lên chính quyền ông Trump nhằm hủy bỏ thuế quan”.
Trung Quốc muốn xoa dịu Mỹ, đang đáp trả "có chừng mực"
Người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu vĩ mô châu Á của ngân hàng OCBC (Singapore) - ông Tommy Xie cho rằng Trung Quốc đang trả đũa Mỹ một cách có cân nhắc và được kiểm soát.
Ông Xie mô tả Tổng thống Trump là một người “thích giao dịch”, có nghĩa là cách tiếp cận của chính trị gia này cho phép các đối tác có thể đàm phán và thỏa thuận.
Ông Xie lưu ý rằng các biện pháp trả đũa hiện tại của Trung Quốc ảnh hưởng tới khoảng 15 tỉ USD hàng hóa Mỹ, thấp hơn đáng kể so với con số 50 tỉ USD hàng hóa trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Điều này cho thấy “có vẻ như Bắc Kinh đang cố gắng làm dịu căng thẳng”.
Ông Xie cho rằng trong bối cảnh Tổng thống Trump đang muốn áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa đến từ nhiều nước hơn, không chỉ từ Trung Quốc, thì lợi ích của Bắc Kinh còn đặc biệt liên quan tới chính sách của Washington đối với các quốc gia cầu nối thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Có vẻ đây là một trong những lý do khiến Trung Quốc đáp trả một cách “có chừng mực”.
Chuyên gia Xie chia sẻ rằng một số công ty Trung Quốc bày tỏ với ông mối quan tâm lớn nhất không phải chính sách thuế quan của Tổng thống Trump nhắm vào Bắc Kinh, mà là nhắm vào Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – một mắt xích quan trọng và có liên quan chặt chẽ với Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Xie không loại trừ nguy cơ Tổng thống Trump sẽ áp đặt thuế quan đối với một số nước ASEAN, song tin rằng khối này sẽ “đóng vai trò rất quan trọng đối với toàn bộ chuỗi cung ứng xuất phát từ Trung Quốc” và “sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”.
HOÀN ĐỨC