Bề ngoài đôi khi có thể gây hiểu nhầm
Vào mùa hè năm 2018, khi cựu Tổng thống Donald Trump phát động một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đỉnh cao phát triển. Thời điểm đó, thậm chí có những dự đoán rằng Trung Quốc có thể sớm vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, khi ông Donald Trump chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ tái nhậm chức, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với các vấn đề về bất động sản, nợ công và giảm phát. Trung Quốc dường như không sẵn sàng cho một cuộc chiến khác.
Nhưng bề ngoài đôi khi có thể gây hiểu nhầm. Theo các nhà kinh tế và chuyên gia phân tích, Trung Quốc có thể kết hợp các biện pháp đa dạng hóa thương mại, trả đũa có chọn lọc và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. “Trung Quốc đã chuẩn bị cho ngày này từ khá lâu. Hoa Kỳ hiện ít quan trọng hơn nhiều trong mạng lưới thương mại của Trung Quốc (so với trước đây)”, Dexter Roberts tác giả của bản tin Trade War và nghiên cứu viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.
Một phần nhờ vào cuộc chiến thương mại đầu tiên, vốn tiếp tục kéo dài dưới thời Tổng thống Joe Biden, Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc đã bắt đầu giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Tác động của việc này đã được thể hiện rõ trong dữ liệu thương mại và diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đã đạt mức kỷ lục. Nhưng năm ngoái, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào Hoa Kỳ, theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Trung Quốc đã giữ vị trí này trong suốt 20 năm, trước khi kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 20%, xuống còn 427 tỷ USD vào năm ngoái.
Theo Matthews Asia, năm ngoái, chỉ chưa đến 30% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đến từ Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), giảm so với 48% vào năm 2000. Do đó, mặc dù xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc hiện ở mức 14%, tăng từ mức 13% trước khi chính quyền của Trump áp dụng các mức thuế đầu tiên.
Ô tô và xe buýt chuẩn bị xuất khẩu tại cảng Lianyungang, Trung Quốc vào ngày 31/10/2024
Trả đũa có chọn lọc và tập trung vào thị trường nội địa
Theo giới phân tích, trong các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, những hành động lớn và mang tính phô trương như bán trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ (Trung Quốc là nước nắm giữ lớn thứ hai thế giới) hoặc giảm giá mạnh đồng Nhân dân tệ khả năng cao không nằm trong danh sách ưu tiên. “Những biện pháp mạnh mẽ đó sẽ không giúp ích gì”, Andy Rothman, chiến lược gia Trung Quốc tại Matthews Asia, nhận định. “Trung Quốc thường không có xu hướng trả đũa trực tiếp theo cách đó”.
Theo bà Liza Tobin, Giám đốc cấp cao về kinh tế tại Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt, Bắc Kinh sẽ không chỉ đơn giản trả đũa bằng cách áp thuế tương tự. Thay vào đó, họ có thể tập trung vào các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc và chọn lọc những mục tiêu mà họ muốn đẩy ra khỏi thị trường.
Theo chuyên gia Andy Rothman, một trong những biện pháp hiệu quả nhất của Trung Quốc để đối phó với thuế quan là tập trung vào thị trường nội địa khổng lồ với 1,4 tỷ dân. “Phản ứng tốt nhất mà Bắc Kinh có thể thực hiện là khôi phục niềm tin của các doanh nhân Trung Quốc, những người chiếm 90% việc làm ở khu vực thành thị và phần lớn các hoạt động đổi mới”, Rothman nói. “Điều này sẽ thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, từ đó tăng tiêu dùng nội địa và giảm tác động của xuất khẩu yếu hơn sang Hoa Kỳ”.
Tháng trước, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, nền kinh tế đã tiếp tục chững lại trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, một phần do tiêu dùng yếu và các vấn đề bất động sản kéo dài. GDP quý III tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho cả năm nay. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sau một mùa hè với dữ liệu kinh tế ảm đạm, Trung Quốc cuối cùng vào cuối tháng 9 đã triển khai một gói kích thích rất cần thiết, chủ yếu tập trung vào các biện pháp tiền tệ. Tiếp đó, các biện pháp bổ sung đã được công bố vào đầu tháng này, dù không lớn như kỳ vọng của nhiều người.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Bank, trong một báo cáo nghiên cứu gần đây, nhận định rằng các động thái lớn hơn có thể sẽ được đưa ra sau khi ông Trump công bố mức thuế mới, điều có thể diễn ra ngay sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025. “Nếu xuất khẩu sụt giảm mạnh, các nhà hoạch định chính sách sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh các biện pháp kích thích lên cấp độ tiếp theo, và chính sách nhà ở (bất động sản) sẽ là yếu tố cần theo dõi chính. Nhưng lịch sử cho thấy Bắc Kinh thường phản ứng theo tình hình thực tế... thay vì hành động sớm”, chuyên gia này cho biết.
Hồng Quân