Thời gian vừa qua, Việt Nam đã sáp nhập hơn 60 tỉnh, thành trước đây thành 34 tỉnh, thành và bắt đầu thực hiện hệ thống hành chính hai cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã, gây được sự quan tâm rộng rãi và thảo luận sôi nổi trong cộng đồng mạng Trung Quốc. Là học giả nghiên cứu về Việt Nam, Giáo sư Thành Hán Bình luôn dõi theo tiến trình này.
Theo ông, đây là một cuộc cải cách lớn lao mang tính lịch sử, phản ánh bản lĩnh mạnh mẽ và những quy hoạch nhìn xa trông rộng vì tương lai đất nước của Ban Chấp hành Trung ương và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy năng lực thực hiện mạnh mẽ của các cấp ủy đảng.
Giáo sư Thành Hán Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Đại học Công nghiệp Chiết Giang.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc kỷ nguyên mới mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương sẽ được hiện thực hóa. Từ nay, Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên hoàn toàn mới, với hành trang gọn nhẹ và những bước phát triển lớn, lợi nước lợi dân, công ở đương đại, lợi ở thiên thu (công trạng ở hiện tại nhưng có thể đem lại lợi ích cho muôn đời).
Theo Giáo sư Thành Hán Bình tác động của những động thái này đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai thể hiện ở các khía cạnh sau: Thứ nhất, giảm thiểu hiện tượng việc ít người nhiều; Thứ hai, giảm gánh nặng cho người nộp thuế; Thứ ba, có lợi cho việc thực hiện suôn sẻ các chính sách của đất nước và đảm bảo mọi ngành nghề đều có thể tập trung tinh thần, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân và mưu cầu phát triển.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc bất kỳ ai cũng có thể phải rời khỏi vị trí việc làm. Đây là một tín hiệu chính trị hết sức rõ ràng rằng phải hết lòng hết sức phục sự nhân dân, đây chính là ước nguyện ban đầu của Đảng Cộng sản, tức nắm quyền là vì nhân dân.
Giáo sư Thành Hán Bình cho rằng, cách làm của Việt Nam đã nêu một tấm gương rất tốt cho thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng có điều kiện quốc gia tương tự, về sự táo bạo quyết đoán và dũng cảm dám cải cách, giảm các cơ quan chồng chéo, cắt giảm nhân sự không cần thiết, giảm gánh nặng cho các cơ quan chính phủ và giảm thuế cho người dân.
Cách làm này đồng thời cũng gửi đi thông điệp tới tất cả người dân rằng phải làm việc khi ở các cơ quan chính phủ, nếu chỉ làm cho qua ngày, ắt sẽ bị đào thải. Quan chức chính phủ cũng không còn là “bát cơm bằng sắt” (việc làm ổn định).
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh