Trung Quốc đáp trả thuế quan Mỹ bằng loạt biện pháp cứng rắn, đệ đơn kiện lên WTO

Trung Quốc đáp trả thuế quan Mỹ bằng loạt biện pháp cứng rắn, đệ đơn kiện lên WTO
8 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc ngày 4/4 chính thức công bố loạt biện pháp thương mại trả đũa sau động thái áp thuế mới từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo thông báo từ Bộ Tài chính Trung Quốc, nước này sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu bổ sung lên tới 34% đối với toàn bộ hàng hóa từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/4.
Động thái này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Trump công bố chính sách thuế mới, nâng tổng mức thuế lên 54% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh gọi đây là hành vi “bắt nạt đơn phương”, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc thương mại quốc tế.
Trong tuyên bố chính thức, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh: “Các biện pháp thuế quan của Mỹ không phù hợp với quy tắc của WTO, làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc, và là ví dụ điển hình của chủ nghĩa đơn phương".
Không dừng lại ở thuế quan, cùng ngày, Trung Quốc đã chính thức đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới theo cơ chế giải quyết tranh chấp. Đây được xem là động thái pháp lý mạnh mẽ của Bắc Kinh nhằm phản đối chính sách thương mại của Washington.
“Chúng tôi đã đệ đơn khiếu nại đối với mức thuế mà Mỹ áp dụng, đồng thời sẽ kiên quyết thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Trung Quốc,” Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.
Trung Quốc đáp trả thuế quan Mỹ bằng loạt biện pháp cứng rắn, đệ đơn kiện lên WTO. (Ảnh minh họa: Getty)
Song song đó, Trung Quốc cũng mở rộng danh sách “thực thể không đáng tin cậy”, đưa thêm 11 công ty Mỹ vào diện hạn chế vì bị cho là có liên quan đến hoạt động hợp tác quân sự với Đài Loan. Ngoài ra, 16 doanh nghiệp khác của Mỹ bị áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm giám sát chặt chẽ việc chuyển giao công nghệ và hàng hóa lưỡng dụng, phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự.
Đáng chú ý, Bắc Kinh cũng tuyên bố siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với một loạt đất hiếm trung và nặng – nguồn tài nguyên có vai trò chiến lược trong sản xuất công nghệ cao và quốc phòng.
Các nguyên tố bị hạn chế bao gồm: samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium – tất cả đều đóng vai trò thiết yếu trong ngành sản xuất chip, pin, radar và máy bay chiến đấu.
“Chính phủ Trung Quốc ban hành các biện pháp này để bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc tế trong việc ngăn chặn phổ biến vật liệu lưỡng dụng", Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định.
Quy định kiểm soát xuất khẩu đất hiếm có hiệu lực ngay từ ngày 4/4.
Trong thời gian qua, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung không ngừng leo thang. Theo thống kê từ Bloomberg, trước đợt áp thuế mới nhất, mức thuế trung bình của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ là khoảng 17,8%, trong khi mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đã ở mức 32,8%. Với chính sách mới, Washington đã nâng tổng thuế lên 54%, đẩy khoảng cách thương mại song phương vào trạng thái mất cân bằng sâu sắc.
Hồi đầu tháng 4, Trung Quốc cũng đã công bố gói thuế trả đũa riêng, áp dụng mức tăng 10 – 15% đối với nhiều mặt hàng nông sản và thực phẩm từ Mỹ. Bên cạnh đó, 25 công ty Mỹ bị đưa vào diện hạn chế về xuất khẩu và đầu tư, đánh dấu một giai đoạn mới trong căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 2/4 phát biểu tại Vườn Hồng (Nhà Trắng) rằng các biện pháp thuế mới là nhằm “đặt nước Mỹ lên hàng đầu” và “bảo vệ người lao động Mỹ trước các hành vi thương mại không công bằng”.
Ông khẳng định rằng chính phủ của ông sẽ tiếp tục xem xét các đối tác thương mại và đưa ra các biện pháp điều chỉnh nếu cần thiết. “Chúng ta không thể để các nước khác lợi dụng hệ thống thương mại toàn cầu thêm nữa", ông tuyên bố.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ luận điểm này và nhấn mạnh rằng các biện pháp thuế quan mới của Mỹ không chỉ vi phạm luật thương mại quốc tế mà còn gây tổn hại tới chính nền kinh tế toàn cầu.
Ngọc Bảo (T/h)
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/trung-quoc-dap-tra-thue-quan-my-bang-loat-bien-phap-cung-ran-de-don-kien-len-wto-13583.html