Mỏ đồng và vàng Mineracao Vale Verde tại Brazil đã được bán cho công ty Baiyin Nonferrous Group của Trung Quốc với giá 420 triệu USD vào tháng 4/2025 - Ảnh: FT.
Các công ty Trung Quốc đang chạy đua để có được nguồn cung nguyên vật liệu thô quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong nước, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu tăng cao - theo tờ báo Financial Times.
Trong năm 2024, Trung Quốc có 10 thương vụ thâu tóm mỏ khoáng sản trị giá hơn 100 triệu USD tại các quốc gia khác, mức cao nhất kể từ năm 2013 dựa trên một phân tích của công ty S&P và dữ liệu của công ty Mergermarket.
Một nghiên cứu khác của viện nghiên cứu Griffith Asia Institute cũng phát hiện thấy năm ngoái là năm mà hoạt động đầu tư và xây dựng của Trung Quốc trong lĩnh vực khai khoáng ở nước ngoài diễn ra mạnh mẽ nhất kể từ ít nhất năm 2013.
NỖ LỰC ĐI TRƯỚC CỦA TRUNG QUỐC
Nhu cầu nguyên liệu thô khổng lồ của Trung Quốc - nước tiêu thụ lớn nhất thế giới hầu hết các loại khoáng sản - đồng nghĩa rằng các công ty khai khoáng của nước này có lịch sử lâu dài trong việc đầu tư ra nước ngoài.
Các nhà phân tích và nhà đầu tư cho biết sự gia tăng trong hoạt động thâu tóm các mỏ quặng ở nước ngoài của Trung Quốc phản ánh một phần phản ánh nỗ lực của nước này nhằm đi trước tình hình địa chính trị đang xấu đi.
Bởi lẽ, một môi trường địa chính trị căng thẳng như hiện nay khiến Bắc Kinh ngày càng càng gặp nhiều trở ngại trên cương vị một nhà đầu tư ở các quốc gia có vị thế quan trọng như Canada và Mỹ.
Nhà sáng lập Michael Scherb của công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Appian Capital Advisory cho biết đã có “nhiều hoạt động hơn trong 12 tháng qua vì các công ty Trung Quốc tin rằng họ có cơ hội tốt hơn trong khoảng thời gian ngắn này. Họ đang cố gắng thực hiện nhiều hoạt động mua sắm và sáp nhập (M&A) trước khi tình hình địa chính trị trở nên khó khăn hơn”.
Xu hướng này duy trì từ đầu năm nay. Công ty Trung Quốc khai khoáng Zijin Mining gần đây cho biết họ có kế hoạch mua lại một mỏ vàng ở Kazakhstan với giá 1,2 tỷ USD. Công ty Appian đã bán mỏ đồng và vàng Mineracao Vale Verde tại Brazil cho đối tác Baiyin Nonferrous Group của Trung Quốc với giá 420 triệu USD vào tháng 4.
“Trong vài năm tới, chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến hoạt động thâu tóm của các công ty khai khoáng Trung Quốc diễn ra tương đối sôi động”, ông Richard Horrocks-Taylor, Giám đốc toàn cầu về kim loại và khai khoáng tại ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Ông Christoph Nedopil, một chuyên gia về đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc và là người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Griffith Asia Institute, lưu ý rằng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, các dự án giao thông và cơ sở hạ tầng khác do Trung Quốc đầu tư xây dựng đang có xu hướng trở nên nhỏ hơn. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vào khai khoáng và tài nguyên của Trung Quốc ở nước ngoài vẫn duy trì quy mô lớn.
CHIẾN LƯỢC TINH VI HƠN
Theo ông Nedopi, điều này phù hợp với sự chuyển hướng của Trung Quốc sang sản xuất công nghệ cao, bao gồm những lĩnh vực như pin và năng lượng tái tạo. Mặt khác, điều này cũng phản ánh thực tế là các nhà đầu tư Trung Quốc đã trở nên tinh vi hơn trong cách tiếp cận đầu tư và trong hoạt động ở nước ngoài.
Trung Quốc hiện giữ vị thế thống trị trong việc chế biến hầu hết các khoáng sản quan trọng - bao gồm đất hiếm, lithium và cobalt - nhưng phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu thô. Về phần mình, Mỹ và nhiều nước châu Âu đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung các khoáng sản quan trọng giữ vai trò then chốt trong sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao từ pin xe điện đến linh kiện bán dẫn và turbin gió, đồng thời phát triển các chuỗi cung ứng thay thế.
Các nước phương Tây bao gồm Canada và Australia đang “ngày càng cảnh giác” về hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực khai thác khoáng sản tại các quốc gia này do “bản chất chiến lược của nhiều loại khoáng sản” - theo ông Adam Webb, người đứng đầu bộ phận nguyên liệu thô về pin tại công ty Benchmark Mineral Intelligence.
Giới chuyên gia lưu ý rằng các công ty Trung Quốc đã trở nên thành thạo trong việc thâu tóm tài sản trong lĩnh vực khai khoáng từ các đối thủ phương Tây trong những năm gần đây, và họ thường có cái nhìn dài hơn hơn về định giá và đầu tư vào các quốc gia có mức độ rủi ro cao hơn.
“Chiến lược của nhà đầu tư Trung Quốc về M&A ở nước ngoài đã trở nên tinh vi hơn”, ông Scherb nhận xét. “Trước đây, chính phủ Trung Quốc thường dùng một doanh nghiệp cho một vụ mua tài sản ở nước ngoài và hậu thuẫn doanh nghiệp đó. Trong 3-4 năm trở lại đây, Chính phủ Trung Quốc cho phép các công ty Trung Quốc cạnh tranh với nhau, cho thấy Bắc Kinh không còn sợ bị thua phương Tây nữa”.
Nhà phân tích John Meyer của công ty tư vấn doanh nghiệp SP Angel cho rằng Trung Quốc đã thực hiện các vụ thâu tóm trong lĩnh vực khai khoáng ở nước ngoài “để chủ động ngăn phương Tây tiếp cận một số vật liệu quan trọng mà Trung Quốc đang giữ vị thế thống trị”. “Mỗi khi có ai đó tiến gần tới việc khai thác lithium, Trung Quốc lại nhanh tay tiến hành một vụ thâu tóm”, ông Meyer nói.
Các doanh nghiệp khai khoáng Trung Quốc tích cực nhất trong các vụ thâu tóm ở nước ngoài bao gồm CMOC, MMG và Zijin Mining. Các tổ chức tài chính Trung Quốc cũng đã cấp hàng tỷ USD vốn vay cho các dự án khai thác và chế biến khoáng sản ở các nước đang phát triển.
Ông Timothy Foden, đồng trưởng nhóm trọng tài quốc tế tại công ty luật Bois Schiller Flexner, cho biết các công ty Trung Quốc đang tạo dựng chỗ đứng để hưởng lợi từ chủ nghĩa dân tộc tài nguyên ở các quốc gia như Mali.
Một số chính phủ quân sự ở châu Phi đang tìm cách kiểm soát các tài sản khai mỏ của phương Tây và yêu cầu trả tiền thuê mỏ cao hơn. Vị luật sư cho biết các công ty Trung Quốc thường sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận có khả năng sinh lợi ít hơn nếu đổi lại, họ có thể tiếp quản việc điều hành mỏ.
An Huy