Trung Quốc 'đọc vị' được tổng thống Mỹ về thuế quan?

Trung Quốc 'đọc vị' được tổng thống Mỹ về thuế quan?
9 giờ trướcBài gốc
Mỹ hồi tháng 4 quyết định áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc lên mức cao kỷ lục 145% nhưng hiện đã đồng ý hạ xuống còn 30%.
Theo đài ABC (Úc), Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố nước Mỹ luôn nắm "thế thượng phong" trong các cuộc đàm phán và rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới không cần phải giao thương với ai vì có thể tự sản xuất mọi thứ cần thiết cho người dân.
Nhưng có vẻ thực tế không phải như vậy.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt giảm mức thuế đối ứng với hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 145% xuống 30%. Ảnh: AP
Tổng thống Donald Trump nhận ra rằng các mức thuế cao ngất ngưởng đang ảnh hưởng ngược lại chính nền kinh tế Mỹ. Trước đây, các doanh nghiệp Mỹ còn có thể dựa vào lượng hàng tồn kho được mua trước đợt tăng thuế. Lượng hàng đó đang cạn dần và xuất hiện những cảnh báo về việc người dân Mỹ sẽ sớm thấy các kệ hàng trống trơn.
Chủ nhân Nhà Trắng vẫn khẳng định mình là "bậc thầy đàm phán" nhưng không rõ ông nhận được gì từ thỏa thuận với Trung Quốc mới đây.
Các nhà quan sát cho rằng dù Trung Quốc đồng ý giảm thuế đối ứng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ 125% xuống còn 10% nhưng Bắc Kinh không có bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào trong đàm phán.
Trung Quốc có vẻ đã "đọc vị" được ý đồ của Tổng thống Donald Trump và đã đi nước cờ khôn ngoan giúp thị trường tài chính toàn cầu khởi sắc.
Mỹ hay Trung Quốc là bên chủ động đàm phán?
Kể từ khi tuyên bố áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại thế giới, Tổng thống Donald Trump nhiều lần tuyên bố phía Trung Quốc đang "rất nóng lòng" muốn đàm phán. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng cụ thể trong khi Trung Quốc bác bỏ hoàn toàn thông tin này.
Trước cuộc gặp cuối tuần qua tại Thụy Sĩ, Bắc Kinh đã nhanh chóng khẳng định rõ ai là người yêu cầu đối thoại. "Cuộc gặp được tổ chức theo đề nghị của phía Mỹ" – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.
Còn Tổng thống Donald Trump thì cố gắng làm nhẹ điều này khi cho rằng "bên nào chủ động cuộc tổ chức đàm phán không quan trọng".
Điều rõ ràng là Bắc Kinh muốn chứng minh họ không yếu thế và hoàn toàn có thể chịu đựng áp lực thuế quan lâu hơn Washington.
Trung Quốc giữ lập trường cứng rắn
Không thể phủ nhận thuế quan của Mỹ gây tổn thất cho kinh tế Trung Quốc bởi thị trường Mỹ là điểm đến lớn cho hàng xuất khẩu Trung Quốc. Mức thuế 145% gần như là một "lệnh cấm vận thương mại".
Mức thuế trên khiến Tổng thống Donald Trump phải đối mặt với áp lực lớn từ dư luận trong nước, thậm chí từ chính nội bộ Đảng Cộng hòa, còn với Trung Quốc thì không.
Khi người tiêu dùng Mỹ bắt đầu cảm nhận tác động từ giá cả leo thang đến kệ hàng trống trơn, ông Donald Trump buộc phải điều chỉnh chiến lược, ngược lại Trung Quốc chọn đứng yên và chờ đợi.
Mỹ xuống thang, tín hiệu tích cực cho giới đầu tư
Tổng thống Donald Trump trước đó từng tạm hoãn thuế quan với các đối tác, ngoại trừ Trung Quốc.
Tín hiệu rõ ràng hơn sau 2 ngày (từ ngày 10 đến 12-5) thảo luận căng thẳng tại Geneva -Thụy Sĩ, Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận tạm thời nhằm giảm đáng kể thuế quan.
Thỏa thuận có hiệu lực trong 90 ngày, bắt đầu từ ngày 14-5, nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo toàn diện hơn.
Mỹ duy trì lâu dài mức thuế đối ứng 10%
Việc duy trì mức cơ bản 10% cho thấy đó có thể là mức thuế cố định dài hạn của Washington và các nước như Úc không có nhiều lý do để thương lượng thêm.
Mỹ có thể sẽ ký các thỏa thuận song phương nhỏ lẻ nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn phải gánh chi phí từ mức thuế 30% đối với hàng hóa Trung Quốc và điều đó khó có thể thay đổi trong ngắn hạn.
Hải Hưng
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/trung-quoc-doc-vi-duoc-tong-thong-my-ve-thue-quan-19625051312593925.htm