Hội chợ việc làm được tổ chức tại Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Theo Xinhua ngày 16/5, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc - từ các công ty khởi nghiệp về robot đến những tập đoàn hàng đầu về điện toán đám mây - hiện đang nỗ lực tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng. Tình trạng thiếu hụt nhân sự được ghi nhận ở hầu hết các vị trí liên quan đến AI, đặc biệt trong các lĩnh vực như học sâu, phát triển mô hình lớn và điện toán đám mây.
Ông Wang Xingxing, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Unitree Robotics - công ty sản xuất robot hình người có trụ sở tại Hàng Châu - cho biết tại một diễn đàn đổi mới ở Thượng Hải rằng doanh nghiệp của ông “đang thiếu nhân lực trầm trọng”, đồng thời đang mở rộng chi nhánh tại các thành phố lớn để tuyển dụng các chuyên gia trẻ. Ông nhấn mạnh nhu cầu thị trường tăng mạnh cùng chính sách hỗ trợ của nhà nước là động lực chính thúc đẩy làn sóng tuyển dụng hiện nay.
Tại một hội chợ việc làm ở Hàng Châu, 830 doanh nghiệp đã đưa ra 21.000 cơ hội việc làm, trong đó một nửa liên quan đến thuật toán AI và phát triển mô hình. Ở Quảng Châu, hơn 50.000 vị trí tuyển dụng được công bố, tập trung vào các ngành sản xuất tiên tiến, điện tử và công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ông Liu Ziyin, giám đốc một công ty công nghệ tại Thiên Tân, cho biết đơn vị của ông đang gấp rút tìm kiếm nhân sự để triển khai các dự án AI chuyên ngành và phát triển robot hình người.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, Trung Quốc hiện có hơn 4.500 công ty hoạt động trong lĩnh vực AI, với giá trị ngành công nghiệp cốt lõi ước đạt 600 tỷ nhân dân tệ (khoảng 83,41 tỷ USD). AI đang nổi lên là động lực trung tâm của quá trình công nghiệp hóa mới, kéo theo nhu cầu nhân lực có trình độ cao ở quy mô lớn.
Dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng chuyên ngành Maimai cho thấy tỷ lệ cung - cầu nhân lực AI tại Trung Quốc đang ở mức thấp đáng báo động, chỉ dưới 1,0; riêng đối với các vị trí chuyên biệt như điện toán đám mây và học sâu, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 0,27. Dự báo của hãng tư vấn McKinsey & Company cho biết Trung Quốc có thể cần tới 6 triệu chuyên gia AI vào năm 2030, trong khi nguồn cung hiện tại mới chỉ đáp ứng chưa đầy một phần ba.
Trước tình hình này, hệ thống giáo dục và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh phối hợp để phát triển nhân tài. Hơn 500 trường đại học trên toàn quốc đã mở các chuyên ngành AI hoặc thành lập trường đào tạo riêng biệt. Đại học Thanh Hoa, Đại học Nhân dân Trung Quốc và Đại học Nam Khai đều đã tích cực điều chỉnh chương trình đào tạo và mở rộng quy mô tuyển sinh nhằm thích ứng với nhu cầu mới.
Song song đó, nhiều tập đoàn công nghệ lớn cũng đã triển khai các chương trình hợp tác với các trường đại học. Đại học Bắc Kinh và ByteDance đã thành lập phòng thí nghiệm chung vào cuối năm 2024; Đại học Nam Kinh và Alibaba Cloud ký kết thỏa thuận phát triển nhân tài vào tháng 3/2025. Tập đoàn Tencent cũng cam kết tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục để thúc đẩy đổi mới và đào tạo kỹ thuật.
Ông Wang Liang, nhà nghiên cứu tại Viện Tự động hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nhận định rằng Trung Quốc cần đẩy mạnh phát triển đội ngũ chuyên gia liên ngành, có nền tảng nghiên cứu cơ bản vững chắc để dẫn dắt các đột phá về thuật toán gốc và thúc đẩy ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực.
Các chuyên gia đánh giá những nỗ lực hiện tại đang góp phần hình thành một hệ sinh thái phát triển nhân tài AI công bằng, cởi mở và bền vững, đóng vai trò nền tảng cho sự tiến bộ công nghệ lâu dài của quốc gia.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc