Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent gặp nhau tại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 10/5. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc hiện đang đối mặt với ba thách thức lớn đe dọa triển vọng tăng trưởng dài hạn: gánh nặng nợ, xu hướng tách rời khỏi các nền kinh tế lớn phương Tây và vấn đề nhân khẩu học ngày càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, giới quan sát quốc tế đang theo dõi sát sao phản ứng của Bắc Kinh để xác định xem quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ lèo lái con thuyền kinh tế như thế nào.
Sau nhiều năm thử nghiệm và điều chỉnh chính sách, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã xác lập ba định hướng chiến lược rõ ràng nhằm định hình tương lai nền kinh tế quốc gia – một sự thay đổi mang tính quyết đoán, được thúc đẩy bởi các biện pháp hạn chế thương mại và công nghệ từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Từ bỏ mô hình tăng trưởng cũ
Điểm nổi bật đầu tiên là việc Trung Quốc chấm dứt việc dựa dẫm vào các gói kích thích tài khóa quy mô lớn và thị trường bất động sản làm động lực chính cho tăng trưởng. Dù một số chuyên gia dự đoán Bắc Kinh sẽ mạnh tay chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế, giới lãnh đạo Trung Quốc lại duy trì chính sách ổn định và thận trọng.
Chính quyền trung ương thậm chí còn áp đặt kỷ luật tài khóa nghiêm ngặt với các địa phương vốn đang "khát vốn" và phụ thuộc vào nguồn thu từ bán đất. Thông điệp được gửi đi rất rõ ràng: nhà ở sẽ không còn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Nhiều người từng chỉ trích chính phủ Trung Quốc đã quá mạnh tay siết tín dụng đối với các nhà phát triển bất động sản, khiến bong bóng bất động sản xì hơi nhanh chóng. Tuy nhiên, khi nhìn lại trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra gần như đồng thời, quyết sách đó lại được đánh giá là đúng thời điểm, giúp tránh nguy cơ "khủng hoảng kép".
Chuẩn bị cho cạnh tranh dài hạn với Mỹ
Chiến lược thứ hai của Trung Quốc là chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kinh tế và công nghệ kéo dài với Mỹ. Các mức thuế quan từ thời Tổng thống Trump, cùng hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc, đã buộc Bắc Kinh phải nhìn nhận rằng “một thời kỳ mới” trong quan hệ song phương đã bắt đầu.
Mặc dù các cuộc gặp gần đây giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Thụy Sĩ đã đạt được một số kết quả tích cực, ít người kỳ vọng quan hệ hai nước sẽ quay lại thời kỳ "mật ngọt" như trước. Trung Quốc không muốn tách rời khỏi thị trường Mỹ, nhưng cũng không có quyền quyết định trong cuộc chơi này.
Vì vậy, chiến lược của Bắc Kinh là chấp nhận thực tế và chuẩn bị cho “một cuộc chiến lâu dài”, theo cách gọi của các nhà hoạch định chính sách trung ương. Trên mặt trận đối ngoại, Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” để củng cố ảnh hưởng kinh tế ở châu Á, châu Phi và châu Âu. Đồng thời, quốc gia này đặt cược lớn vào việc tự lực về công nghệ nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung phương Tây.
Công nghệ là nền tảng cho lực lượng sản xuất mới
Chiến lược thứ ba của Trung Quốc là lấy đổi mới công nghệ làm nền tảng cho một mô hình tăng trưởng mới. Trong bối cảnh dân số già hóa nhanh và lực lượng lao động suy giảm, việc tăng năng suất thông qua tự động hóa và đổi mới trở thành con đường bắt buộc.
Một ví dụ điển hình là công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý nhờ phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ với chi phí và nhu cầu tính toán thấp hơn đáng kể so với các đối thủ Mỹ. Đây được xem là minh chứng cho tiềm năng của Trung Quốc trong việc vượt qua rào cản về phần cứng.
Trong khi đó, các lệnh kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ nhắm vào việc sử dụng chip Ascend của Huawei ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng được Trung Quốc xem là động lực để đẩy nhanh quá trình tự lực phát triển chip và AI.
Sản lượng robot công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua đã tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của nước này trong việc tự động hóa sản xuất truyền thống, một phần nhằm bù đắp cho lực lượng lao động đang co lại.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, Trung Quốc đã bước vào một thời kỳ mới với chiến lược phát triển dài hạn dựa trên đổi mới, tự lực và thích nghi với môi trường địa chính trị khắc nghiệt hơn. Ba trụ cột chiến lược mà Bắc Kinh đang theo đuổi có thể không giúp nước này đạt được mức tăng trưởng cao như trước, nhưng có thể giúp xây dựng một nền kinh tế vững vàng và linh hoạt hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Theo SCMP
Tiến Dũng