Ngày 6/5/1975, Trung Quốc và Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của EU hiện nay đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao quốc tế hiện đại.
Trong bối cảnh trật tự quốc tế đang đối mặt với những thách thức mới như căng thẳng địa chính trị, sự phân mảnh kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, mối quan hệ Trung Quốc - EU nổi lên như một lực đẩy ổn định đáng kể.
Trải qua nhiều thập kỷ, quan hệ đối tác Trung Quốc - EU đặc biệt nổi bật trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, được củng cố bởi những thế mạnh bổ sung và lợi ích chung. Theo số liệu chính thức, kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng mạnh mẽ từ 2,4 tỷ USD lên 780 tỷ USD trong vòng 50 năm qua.
Ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô và hàng hóa xa xỉ, châu Âu đóng góp thế mạnh về thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt và năng lực đổi mới; trong khi Trung Quốc cung cấp năng lực sản xuất chất lượng cao, lực lượng lao động lành nghề, cùng với một thị trường tiêu dùng rộng lớn và năng động. Sự kết hợp này đã tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy phục hồi công nghiệp và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Dịch vụ vận tải đường sắt Trung Quốc - EU cũng đóng vai trò then chốt trong thương mại song phương. Một cột mốc đáng chú ý đã được xác lập khi vào cuối năm 2024, chuyến tàu hàng thứ 100.000 từ Trung Quốc đến EU cập bến nhà ga liên vận Duisburg (DIT) tại thành phố Duisburg, Đức, biểu tượng cho sự phát triển bền vững trong hợp tác giữa hai bên.
Trung Quốc hiện đang dẫn đầu toàn cầu trong các lĩnh vực công nghệ xanh, sản xuất tiên tiến và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số – những mảng mà EU cũng đang ưu tiên nhằm đạt các mục tiêu trung hòa carbon và chuyển đổi số. Điều này tạo tiền đề thuận lợi cho sự đồng thuận và hợp tác sâu rộng hơn giữa hai bên.
Bên cạnh hợp tác kinh tế - thương mại, Trung Quốc và EU còn chia sẻ cam kết mạnh mẽ đối với ổn định toàn cầu và chủ nghĩa đa phương. Đây là nền tảng cho sự phối hợp hiệu quả giữa hai bên trong nhiều vấn đề quốc tế then chốt.
Không tồn tại mâu thuẫn lợi ích cơ bản hay đối đầu địa chính trị, Trung Quốc và EU cùng ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, giải quyết các thách thức toàn cầu thông qua đối thoại, đồng thời phản đối các hành vi áp đặt đơn phương. Trong suốt 50 năm qua, quan hệ Trung Quốc - EU không chỉ thúc đẩy phát triển song phương mà còn góp phần tích cực vào hòa bình và thịnh vượng của thế giới.
Từ việc cùng ủng hộ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) liên quan đến chương trình hạt nhân Iran, thúc đẩy Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF), cho đến nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, Trung Quốc và EU luôn thể hiện cam kết vững chắc đối với một thế giới đa cực và đa phương.
Với vai trò là những nền kinh tế lớn trên thế giới, Trung Quốc và EU chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ toàn cầu hóa kinh tế, duy trì một môi trường thương mại quốc tế công bằng, chống lại các hành vi đơn phương áp đặt, đồng thời kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
PV