Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, hoạt động du lịch và chi tiêu tại Trung Quốc đạt mức kỷ lục mới, mang lại tín hiệu tích cực cho chính phủ trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Một cửa hàng trong khu mua sắm ở Thượng Hải, Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Getty Images
Du lịch và doanh thu phòng vé tăng
Theo dữ liệu được Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố hôm 5/2, trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 28/1, có tổng cộng 501 triệu chuyến đi trong nước, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu du lịch tăng 7%, đạt 677 tỷ nhân dân tệ (93 tỷ USD).
Theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu chính thức, chi tiêu trung bình mỗi chuyến đi trong năm nay là 168,9 nhân dân tệ (23,2 USD), nhỉnh hơn mức 166,8 nhân dân tệ (22,9 USD) của năm ngoái. Tuy nhiên, con số này thấp hơn khoảng 5% so với mức trước đại dịch vào năm 2019 (176,9 nhân dân tệ - 24,3 USD).
Về du lịch quốc tế, trung bình có 1,795 triệu chuyến xuất nhập cảnh mỗi ngày trong kỳ nghỉ, theo dữ liệu từ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh công bố hôm 5/2. Con số này nhỉnh hơn mức trung bình 1,79 triệu chuyến mỗi ngày năm 2019 trước đại dịch. Sự gia tăng năm nay chủ yếu do số lượng du khách quốc tế tăng 22,9% so với năm 2024.
Trung Quốc đã triển khai chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia trong năm qua nhằm thúc đẩy du lịch và tiêu dùng.
"Chúng tôi vui mừng thấy rằng với việc Trung Quốc mở rộng danh sách miễn thị thực và cải thiện chính sách quá cảnh miễn thị thực, Tết Nguyên đán đang dần trở thành một lễ hội được kỷ niệm trên toàn thế giới", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 5/2.
Ông cũng cho biết số lượng khách quốc tế đến Trung Quốc trong kỳ nghỉ đã tăng 150% so với năm 2024, đạt mức cao mới.
Sau một năm 2024 đầy thất vọng, người dân Trung Quốc đã quay lại rạp chiếu phim trong kỳ nghỉ. Theo Cục Điện ảnh Trung Quốc, có 187 triệu lượt khán giả đến rạp trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, đưa doanh thu phòng vé đạt mức kỷ lục 9,5 tỷ Nhân dân tệ (1,32 tỷ USD). Bộ phim hoạt hình "Nezha 2" đứng đầu bảng xếp hạng, trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Trung Quốc, theo đài truyền hình CCTV.
Dù vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức, từ tình trạng bất ổn việc làm của giới trẻ đến suy thoái nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản, vốn từng là trụ cột của tăng trưởng kinh tế.
Khó khăn kinh tế
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi việc mở rộng tiêu dùng nội địa là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp chưa được cải thiện.
Mặc dù chi tiêu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán mang lại động lực tích cực cho các quan chức chính phủ trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế, nhưng chưa rõ liệu đà tăng trưởng này có thể được duy trì hay không.
"Chúng ta không nên quá lạc quan về dữ liệu tích cực trong kỳ nghỉ, vì đây có thể chỉ là sự bùng phát nhu cầu tiêu dùng sau một năm 2024 yếu kém", các nhà phân tích tiêu dùng của HSBC nhận định trong một báo cáo nghiên cứu hôm 5/2.
Sự gia tăng doanh thu phòng vé có thể được giải thích một phần bởi các chính sách thúc đẩy tiêu dùng của chính phủ. Vào tháng 12/2024, Cục Điện ảnh Trung Quốc đã triển khai chiến dịch trợ cấp công cộng, trong khi các chính quyền địa phương như Bắc Kinh và Quảng Đông phát hành phiếu mua vé xem phim trước kỳ nghỉ.
Nhằm kích thích chi tiêu cho hàng tiêu dùng, Bộ Tài chính Trung Quốc vào tháng 1 đã công bố việc phân bổ 81 tỷ nhân dân tệ (11,1 tỷ USD) cho chương trình đổi cũ lấy mới đối với xe hơi và đồ gia dụng, bao gồm nồi cơm điện và máy giặt.
Trên trường quốc tế, Trung Quốc cũng đang chịu áp lực lớn, đặc biệt từ việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế 10% lên tất cả hàng nhập khẩu từ nước này vào Mỹ trong tuần này.
Tại cuộc họp Hội đồng Nhà nước hôm 5/2, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì vững chắc niềm tin và phối hợp nỗ lực giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước, đồng thời ứng phó với các thách thức bên ngoài, theo truyền thông nhà nước.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức, từ tình trạng bất ổn việc làm của giới trẻ đến suy thoái nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản, vốn từng là trụ cột của tăng trưởng kinh tế.
Mai Hương
Theo CNN