Trung Quốc gửi thông điệp đến Mỹ

Trung Quốc gửi thông điệp đến Mỹ
9 giờ trướcBài gốc
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 2-5 cho biết Bắc Kinh đang đánh giá nhiều đề xuất từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến đàm phán thương mại, nhưng nhấn mạnh rằng các mức thuế cao mà Washington áp đặt cần phải được dỡ bỏ. Tuyên bố của bộ này nhắc lại lập trường sẵn sàng đối thoại của Trung Quốc nhưng cho rằng các mức thuế đơn phương lên tới 145% của Mỹ vẫn là trở ngại, làm suy yếu lòng tin giữa hai bên.
Cũng theo tuyên bố, cuộc chiến thuế quan và thương mại là do phía Mỹ đơn phương phát động và nếu muốn đàm phán, Washington nên thể hiện thiện chí và sẵn sàng hành động trong các vấn đề như hủy bỏ các mức thuế quan đơn phương.
Trong khi đó, một số quan chức Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett, bày tỏ hy vọng đạt được tiến triển trong việc giảm căng thẳng thương mại. Trả lời phỏng vấn kênh Fox Business Network hôm 1-5, ông Bessent bày tỏ niềm tin Trung Quốc "muốn đạt được một thỏa thuận".
Theo ông Bessent, đây sẽ là một tiến trình gồm nhiều bước, trước hết cần hạ nhiệt căng thẳng rồi bắt đầu tập trung vào một thỏa thuận thương mại lớn hơn. Tổng thống Donald Trump trước đó một ngày cũng nói có "cơ hội lớn" để đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.
Một cửa hàng tại TP Los Angeles - Mỹ bày bán nón nhập khẩu từ Trung Quốc hôm 9-4. Ảnh: AP
Thị trường chứng khoán châu Á đã tăng điểm hôm 2-5 trước hy vọng căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới hạ nhiệt.
Giá dầu cũng tăng sau khi Trung Quốc tuyên bố để ngỏ khả năng đàm phán thương mại với Mỹ. Nỗi lo về nguy cơ cuộc chiến thương mại trên diện rộng có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái là một trong những yếu tố gây áp lực lớn lên giá dầu trong những tuần gần đây.
Để đáp trả các đợt tăng thuế của ông Donald Trump, theo AP, Trung Quốc đã nâng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên tới 125%. Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản chiến lược sang Mỹ, cũng như ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Mỹ. Đồng thời, Bắc Kinh còn tăng cường các biện pháp đối phó với tác động từ thuế quan của Washington. Mặt khác, theo đài CNBC, cả hai bên đều cố gắng giảm thiểu tác động kinh tế của các mức thuế bằng cách miễn trừ cho một số mặt hàng thiết yếu.
Ngay cả khi Trung Quốc dường như phát tín hiệu sẵn sàng tham gia đàm phán với chính quyền Tổng thống Donald Trump, các nhà phân tích cho rằng việc đạt được một thỏa thuận toàn diện sẽ tốn nhiều công sức và thời gian. Theo họ, một thách thức đến từ sự khó tiên đoán trong hành động của ông Donald Trump.
Bà Dan Wang, chuyên gia của Công ty Tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ), nhận định với đài CNBC rằng hai bên nhiều khả năng chỉ tiến hành đàm phán công khai sau khi đã thống nhất mọi chi tiết trong hậu trường. Theo bà Wang, một kịch bản có khả năng xảy ra hơn là hai bên sẽ âm thầm thu hẹp một số biện pháp mà không công khai nhượng bộ về chính trị.
Nội dung thực chất của các cuộc đàm phán - nếu diễn ra - sẽ phụ thuộc vào các ưu tiên chiến lược và "lằn ranh đỏ" về kinh tế của cả hai bên. Ông Alfredo Montufar-Helu, chuyên gia tại Tổ chức Tư vấn The Conference Board (Mỹ), dự báo tiến trình đàm phán sẽ rất khó khăn vì cả hai bên đều không muốn nhượng bộ đối với những vấn đề được xem là thiết yếu đối với an ninh kinh tế quốc gia.
Theo ông Montufar-Helu, một trong những yêu cầu lớn của Trung Quốc sẽ là đưa thuế quan trở lại như trước thời điểm Mỹ bắt đầu áp thuế mạnh tay, ít nhất là trong lúc đàm phán diễn ra. Một bước đi như thế có thể giúp doanh nghiệp hai nước nhẹ nhõm đáng kể nhưng vẫn chưa rõ chính quyền ông Donald Trump sẽ đón nhận đề xuất này như thế nào.
Hoàng Phương
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/trung-quoc-gui-thong-diep-den-my-196250502210318469.htm