Tàu "Lam Kình" đang được hạ thủy. Ảnh: Peopledaily.
Theo tài khoản WeChat "Nhật báo Khoa học và Công nghệ", tàu không người lái “Lam Kình” là loại tàu mới kết hợp giữa tàu cao tốc trên mặt nước và tàu ngầm đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, theo truyền thông quốc tế thì vào tháng 5/2024, Mỹ đã công bố thử nghiệm, kiểm định tính năng của tàu trinh sát không người lái TRITON có thể nổi trên mặt nước và lặn dưới nước).
Tàu "Lam Kình" dài 11 mét và có lượng giãn nước 12 tấn. Khi chạy trên mặt nước nó có tốc độ lên tới 30-40 hải lý/h và hành trình hàng trăm km. “Lam Kình” có thể lặn xuống độ sâu hàng chục mét và di chuyển dưới nước. Nó có thể ở trong trạng thái lơ lửng dưới nước trong hơn một tháng và có thể phản ứng với các nhiệm vụ khẩn cấp bất cứ lúc nào.
Tàu Lam Kình được hạ thủy bằng phương pháp cẩu xuống mặt nước. Ảnh: Guancha.
“Lam Kình” có thể được sử dụng để quan trắc khí tượng, lập bản đồ địa hình đáy biển, chụp ảnh dưới nước, lấy mẫu chất lượng nước, kiểm tra đường ống và cáp ngầm dưới đáy biển, v.v. Nó cũng có thể truyền dữ liệu phát hiện và tài liệu video về trung tâm điều khiển trên mặt đất theo thời gian thực.
Sau khi "Lam Kình" được hạ thủy, nó sẽ trải qua quá trình điều chỉnh tại hiện trường, thử nghiệm neo đậu, thử nghiệm trên cầu cảng, thử nghiệm trên biển... và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng thực tế vào năm tới.
Theo tài liệu giới thiệu, tàu ngầm không người lái “Lam Kình” là loại tàu mới kết hợp giữa tàu cao tốc trên mặt nước với tàu ngầm và công nghệ không người lái. Ông Trần Đại Khả, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học và Kỹ thuật Hàng hải phía Nam ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, nói: "Nó không chỉ cung cấp cho chúng ta một công cụ chưa từng có để khám phá tiền duyên của khoa học mà còn cung cấp một công cụ thông minh và hiệu quả để phục vụ các chiến lược quốc gia".
Cận cảnh tàu "Lam Kình". Ảnh: Peopledaily.
"Đây là tàu ngầm không người lái tốc độ cao đầu tiên trên thế giới có thể xâm nhập sâu vào tâm bão", ông Ngô Quốc Tùng, Tổng công trình sư dự án tàu ngầm không người lái của Công ty TNHH Công nghệ thông minh Vân Châu, Chu Hải cho biết. Theo ông, điều đột phá nhất là nó có thể lặn dưới nước để tránh gió và sóng trước khi cơn bão ập đến. Khi một cơn bão đi qua gần tâm bão, nó có thể phát hiện dữ liệu khí tượng đại dương thông qua tên lửa thăm dò và thiết bị thám trắc mà nó mang theo, cung cấp những thông tin trực tiếp tại chỗ.
Thu Thủy