Ngày 26-12, Trung Quốc đã hạ thủy tàu nghiên cứu đa chức năng Tan Suo San Hao tại thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Là tàu nghiên cứu khoa học toàn diện đầu tiên của Trung Quốc, Tan Suo San Hao được thiết kế cho hoạt động thám hiểm biển sâu toàn cầu, cùng khả năng lặn sâu có người lái ở các vùng băng giá.
Với chiều dài 104 mét, Tan Suo San Hao có sức chứa 80 thành viên thủy thủ đoàn và di chuyển với tốc độ lên tới 16 hải lý/giờ. Với khả năng phá băng ở mũi và đuôi, tàu có thể phá vỡ lớp băng dày tới 1,2 m.
Tàu phá băng Tan Suo San Hao do các kỹ sư Trung Quốc thiết kế và chế tạo. Ảnh: Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV
Sự kiện này thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong đẩy mạnh khả năng tự lực về công nghệ và năng lực nghiên cứu đại dương, đồng thời đưa quốc gia này trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới tiến hành hoạt động nghiên cứu tại các vùng biển sâu. Cho đến nay, Nga là quốc gia đầu tiên thám hiểm đáy biển Bắc Cực thông qua sứ mệnh Arktika năm 2007.
Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, tàu Tan Suo San Hao được thiết kế và chế tạo độc lập bởi các kỹ sư Trung Quốc, góp phần phá bỏ những rào cản về công nghệ quan trọng do nước ngoài kiểm soát.
Tân Hoa xã nhận định, tàu Tan Suo San Hao sẽ mở rộng năng lực thám hiểm biển sâu có người lái của Trung Quốc, từ những vùng biển sâu cho đến toàn bộ các vùng biển.
Trung Quốc đang có động thái mở rộng dấu ấn và ảnh hưởng ở các vùng cực thông qua hoạt động vận chuyển và nghiên cứu. Động thái này cũng phù hợp với mục tiêu của Bắc Kinh về việc trở thành một siêu cường khoa học và thúc đẩy khả năng tự lực trong bối cảnh cạnh tranh về công nghệ và tài nguyên ngày càng gia tăng.
Thương Nguyệt