Trên một cánh đồng cỏ xanh mướt ở ngoại ô thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), hàng chục người trẻ tuổi ngồi quây quần quanh một sân khấu nhỏ, nơi các nhà sáng lập khởi nghiệp công nghệ say sưa chia sẻ ý tưởng. Trên bầu trời, vài phương tiện bay không người lái đang chao liệng, trong khi ở căn nhà gần đó, các nhà đầu tư chăm chú lắng nghe những bài thuyết trình đầy nhiệt huyết.
Thoạt nhìn, khung cảnh này dễ khiến người ta liên tưởng đến Thung lũng Silicon bên Mỹ. Song trên thực tế, đây là Lương Chử – một ngôi làng nhỏ nhưng đang trở thành tâm điểm của cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) tại quốc gia tỷ dân.
Vốn là vùng nông thôn yên bình, Lương Chử giờ đây lại đang nổi lên như một trung tâm công nghệ mới, nơi hội tụ các tài năng trẻ và những giấc mơ lớn lao về AI. Không phải ngẫu nhiên mà nơi đây được ví như đối thủ của Thung lũng Silicon. Hơn một thập kỷ qua, chính quyền tỉnh và địa phương đã không ngừng hỗ trợ các công ty khởi nghiệp thông qua những chính sách ưu đãi thuế và trợ cấp.
Nhờ đó, hàng trăm doanh nghiệp công nghệ đã mọc lên, biến Hàng Châu thành cái nôi của những gã khổng lồ như Alibaba, NetEase, Hikvision, và gần đây nhất là DeepSeek – một công ty AI đang gây tiếng vang trên toàn cầu.
Từ trường đại học đến những gã khổng lồ công nghệ
Hàng Châu từ lâu đã là điểm đến của những bộ óc công nghệ xuất sắc, phần lớn nhờ vào Đại học Chiết Giang, một trong những trường kỹ thuật hàng đầu Trung Quốc. Nhiều cựu sinh viên của ngôi trường này đã trở thành nhân vật chủ chốt trong các công ty công nghệ lớn.
"Liangzhi Demo Day", một sự kiện về AI được tổ chức thường niên tại Lương Chử. Ảnh: Yang Liyun/Caijing
Điển hình trong số này là Lương Văn Phong, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp AI DeepSeek từng làm chấn động giới công nghệ thế giới vào tháng 1 vừa qua khi công bố một mô hình AI mã nguồn mở với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các mô hình tương tự từ Thung lũng Silicon. Mô hình này không chỉ cạnh tranh về hiệu suất mà còn mở ra cơ hội cho các nhà phát triển toàn cầu xây dựng ứng dụng dựa trên nền tảng của DeepSeek.
DeepSeek trở thành một trong “sáu con hổ Hàng Châu” – nhóm sáu công ty khởi nghiệp về AI và robot đang làm mưa làm gió trên truyền thông Trung Quốc. Một thành viên khác của nhóm, hãng phát triển Game Science, đã gây sốt với Black Myth: Wukong, tựa game đầu tiên của Trung Quốc gây được tiếng vang trên toàn cầu.
Ngoài ra, còn có công ty robot Unitree, từng khiến công chúng trầm trồ khi các chú chó robot của họ trình diễn vũ điệu đồng bộ trong chương trình Gala Xuân Vãn của Đài truyền hình TƯ Trung Quốc. Những thành tựu này không chỉ khẳng định vị thế của Hàng Châu mà còn cho thấy sức mạnh của hệ sinh thái công nghệ nơi đây.
Tại Lương Chử, cộng đồng coder tự gọi mình là “dân làng”. Họ là những người trẻ, phần lớn ở độ tuổi 20-30, làm việc trong các quán cà phê vào ban ngày và tụ tập chơi game vào ban đêm. Felix Tao, 36 tuổi, từng làm việc tại Facebook và Alibaba, là một trong những cá nhân nổi bật của cộng đồng này.
Sau khi rời Alibaba, Tao thành lập Mindverse, một công ty phát triển sản phẩm AI giúp người dùng quản lý cuộc sống hiệu quả hơn, từ gửi e-mail hỗ trợ đồng nghiệp đến nhắn tin gợi nhắc kỷ niệm gia đình. Ngôi nhà của Tao ở Lương Chử đã trở thành điểm hẹn cuối tuần cho các nhà đầu tư từ Bắc Kinh, Thượng Hải, và Thâm Quyến, những người bay đến để tìm kiếm tài năng và cơ hội tại ngôi làng.
Thách thức giữa tham vọng và hiện thực
Dù đang trên đà phát triển mạnh mẽ, Lương Chử và các công ty khởi nghiệp tại đây không tránh khỏi những thách thức lớn. Một trong những trở ngại lớn nhất là khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều nhà sáng lập chia sẻ rằng chính sự hỗ trợ từ chính phủ lại khiến các nhà đầu tư quốc tế e dè. Lo ngại về mối liên hệ với chính quyền Bắc Kinh, cùng những tiền lệ như ByteDance, công ty mẹ của TikTok từng đối mặt với các cuộc điều tra an ninh tại Mỹ, khiến các công ty khởi nghiệp ở Hàng Châu gặp khó trong việc mở rộng ra thị trường toàn cầu.
“Bạn hoặc chấp nhận nguồn vốn từ chính phủ và tập trung vào thị trường nội địa, hoặc tự mình xoay sở đủ tiền để mở văn phòng ở Singapore hoặc các nước khác. Nhưng hầu hết không đủ khả năng để chọn con đường thứ hai”, một nhà sáng lập giấu tên tiết lộ.
Vấn đề tiếp theo là nguồn cung chip xử lý tiên tiến, trái tim của các hệ thống AI. Mỹ đã áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu chip hiệu năng cao từ các công ty như Nvidia, buộc các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei hay SMIC, 1 công ty sản xuất bán dẫn, phải gấp rút phát triển chip nội địa.
Dù một số công ty như ByteDance đã tận dụng chip Trung Quốc để cung cấp dịch vụ AI trong nước, câu hỏi về khả năng đáp ứng nhu cầu dài hạn vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều công ty tại Hàng Châu đang tích trữ chip Nvidia, song nguồn cung này không thể kéo dài mãi.
Giữa những thách thức trên, tinh thần sáng tạo ở Lương Chử vẫn không hề suy giảm. Các coder trẻ tại đây không chỉ mơ ước tạo ra những sản phẩm AI đột phá mà còn muốn thay đổi cách con người tương tác với công nghệ. Chẳng hạn, doanh nhân trẻ Qian Roy đã phát triển All Time, ứng dụng AI có khả năng phản hồi theo tâm trạng người dùng dựa trên bài kiểm tra tính cách Myers-Briggs.
Một "dân làng" khác là Lin Yuanlin đang là nhà sáng lập Zeabur, công ty chuyên cung cấp các giải pháp hậu kỳ cho những người “vibecoding”, tức lập trình với sự hỗ trợ của AI mà không cần kiến thức sâu về phần mềm. Những ý tưởng như vậy đang biến Lương Chử thành một phòng thí nghiệm sống động cho tham vọng làm chủ công nghệ Trung Quốc trong tương lai.
Dù đối mặt với nhiều rào cản, từ hạn chế về vốn đến công nghệ chip, cộng đồng coder ở đây vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Họ tụ họp để xem những bộ phim như The Matrix (Ma Trận), và lấy cảm hứng từ chính câu chuyện về những con người dám thách thức hệ thống để tạo ra con đường riêng trong phim. Với Felix Tao và hàng trăm “dân làng” khác, Lương Chử không chỉ là nơi để viết code, mà còn là nơi những giấc mơ công nghệ lớn lao được ươm mầm, sẵn sàng vươn ra thế giới.
Việt Anh