Trung Quốc muốn mua nhà máy ôtô của Volkswagen tại Đức. Ảnh: Reuters.
Theo một nguồn tin từ Reuters, việc mua lại các cơ sở sản xuất của Volkswagen tại Đức không chỉ mang lại cơ hội sản xuất ôtô ngay tại trung tâm ngành công nghiệp ôtô danh giá nhất châu Âu, mà còn giúp Trung Quốc củng cố vị thế của các nhà sản xuất ôtô điện (EV) Trung Quốc tại đây.
"Chìa khóa" mở cửa thị trường châu Âu
Theo phân tích từ giới chuyên gia, nếu các công ty ôtô điện (EV) của Trung Quốc sản xuất xe ngay tại Đức, họ sẽ né được mức thuế nhập khẩu từ Liên minh châu Âu và tăng sức ép cạnh tranh lên các nhà sản xuất địa phương.
Đây là một bước đi chiến lược nhằm giúp Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trong lĩnh vực vốn là niềm tự hào của Đức.
Dù Trung Quốc đã đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tại Đức, từ viễn thông đến robot, việc thiết lập cơ sở sản xuất ôtô truyền thống tại đây vẫn là một “giấc mơ chưa thành hiện thực”, dù 2 cổ đông lớn của Mercedes-Benz đều đến từ Trung Quốc.
Nếu thương vụ lần này thành công, Trung Quốc có thể tạo nên bước ngoặt lớn.
Volkswagen - biểu tượng lâu đời của sức mạnh công nghiệp Đức - đang chịu áp lực từ sự suy giảm doanh số toàn cầu và quá trình chuyển đổi sang công nghệ xanh.
Thực tế, Volkswagen, nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu, đang tìm cách tái sử dụng các nhà máy tại Dresden và Osnabrueck để cắt giảm chi phí. Công ty sở hữu các thương hiệu như Porsche, Audi và Skoda, đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh gia tăng của các đối thủ Trung Quốc.
Trong bối cảnh tái cơ cấu, Volkswagen đang lên kế hoạch dừng sản xuất tại hai nhà máy Dresden (340 lao động) vào năm 2025 và Osnabrueck (2.300 lao động) vào năm 2027. Đây là một phần trong nỗ lực cắt giảm chi phí để cạnh tranh tốt hơn.
Nguồn tin từ Volkswagen cho biết công ty sẵn sàng bán nhà máy Osnabrueck cho doanh nghiệp Trung Quốc nếu có đề nghị phù hợp.
Phát ngôn viên của công ty khẳng định: “Chúng tôi cam kết tìm giải pháp để tiếp tục sử dụng cơ sở này, đảm bảo lợi ích của cả công ty lẫn người lao động”.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc lo ngại về thái độ của công đoàn Đức - tổ chức giữ một nửa số ghế trong Hội đồng quản trị các công ty Đức và thường yêu cầu các đảm bảo về việc làm và địa điểm sản xuất.
Stephan Soldanski, đại diện công đoàn tại Osnabrueck, cho biết: “Chúng tôi không phản đối việc sản xuất cho một liên doanh của Volkswagen tại Trung Quốc, nhưng điều kiện tiên quyết là mọi thứ phải được thực hiện dưới tiêu chuẩn và thương hiệu VW”.
Nhà máy Volkswagen ở Osnabrueck (Đức). Ảnh: Reuters.
Về phía Trung Quốc, Hiệp hội Thương mại nước này tại Berlin xác nhận rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đang rất quan tâm đến ngành công nghiệp ôtô của Đức, coi đây là cơ hội đầu tư chiến lược dài hạn.
Họ cũng nhận định rằng chinh phục người tiêu dùng Đức - vốn có yêu cầu rất cao - sẽ là một cột mốc quan trọng đánh dấu thành công của các hãng xe Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng gửi thông điệp rõ ràng tới Đức, kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nước này.
“Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách mở cửa nhằm tạo cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi hy vọng phía Đức cũng duy trì thái độ cởi mở và cung cấp một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử cho các công ty Trung Quốc”, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định với Reuters.
Lựa chọn chiến lược
Trong bối cảnh tái cơ cấu và áp lực cạnh tranh, Volkswagen đang xem xét bán một số nhà máy, được định giá từ 100 triệu đến 300 triệu euro (tương đương 103-309 triệu USD). Một chuyên gia ngân hàng cho biết việc bán lại nhà máy sẽ ít tốn kém hơn so với đóng cửa hoàn toàn.
Mặc dù Volkswagen từ chối bình luận về giá trị các tài sản này, đây có thể là cơ hội để các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp cận nhanh chóng thị trường châu Âu mà không mất thời gian xây dựng mới.
Hiện nhiều nhà sản xuất ôtô Trung Quốc tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy tại châu Âu, thị trường xe điện lớn thứ hai thế giới.
Trong khi các hãng như BYD chọn xây dựng nhà máy ở những quốc gia có chi phí thấp hơn như Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, một số công ty khác đang cân nhắc đặt chân vào thị trường châu Âu bằng cách tận dụng các nhà máy cũ.
Leapmotor đang hợp tác sản xuất cùng Stellantis tại Ba Lan, trong khi Chery Auto dự kiến khởi động dây chuyền sản xuất xe điện ngay trong năm nay tại nhà máy cũ của Nissan ở Tây Ban Nha.
Không dừng lại ở đó, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng tích cực khảo sát khu vực Tây Âu, bao gồm nhà máy của Ford tại Saarlouis (Đức) và cơ sở của Audi tại Brussels (Bỉ).
Chery Auto đã khảo sát nhiều lựa chọn và dự kiến đưa ra quyết định vào năm nay. Đại diện Chery tại châu Âu nhấn mạnh rằng mua lại nhà máy có thể là giải pháp nhanh chóng, nhưng xây dựng mới lại giúp họ đạt tiêu chuẩn công nghệ cao nhất.
BYD, với tham vọng lớn tại thị trường châu Âu, khẳng định chiến lược phát triển dài hạn của mình phần lớn không bị ảnh hưởng bởi những biến động chính trị ngắn hạn ở từng quốc gia.
Trong khi đó, SAIC - một đối tác liên doanh lớn của Volkswagen - vẫn chưa đưa ra bình luận nào về kế hoạch mở rộng tại khu vực này.
Phương Linh