Các kỹ sư kiểm tra hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên mái ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh minh họa: China Daily/TTXVN
Hệ thống lưu trữ năng lượng này nạp điện vào giờ thấp điểm khi giá điện rẻ, sau đó xả điện vào giờ cao điểm khi giá tăng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đáng kể.
Hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc) trong bài đăng ngày 4/5 cho biết, người chịu trách nhiệm đảm bảo các hệ thống này vận hành an toàn và hiệu quả là anh Wu Xiaochun.
Anh Xiaochun làm việc với chức danh “quản trị viên bảo trì trạm lưu trữ năng lượng”. Đây là 1 trong 19 nghề nghiệp mới được Trung Quốc chính thức công nhận vào tháng 7/2024. Xiaochun vui vẻ tự gọi mình là một lao động cổ cồn xanh lá.
Trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy chuyển đổi xanh, làn sóng ngành công nghiệp phát thải thấp ra đời, kéo theo nhu cầu bùng nổ về nguồn nhân lực cổ cồn xanh lá.
Tính đến nay, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc đã công nhận chính thức 137 nghề nghiệp xanh. Đáng chú ý, đến cuối năm 2024, số lao động làm việc trong lĩnh vực sinh thái và bảo vệ môi trường tại Trung Quốc là hơn 3,4 triệu người.
Theo ông Yu Aitao tại Trường Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Giao thông Thượng Hải, nhiều sinh viên đang lựa chọn nghề nghiệp gắn liền với các ngành công nghiệp xanh, như kỹ sư môi trường, chuyên gia tư vấn ESG (môi trường, xã hội và quản trị), kỹ sư năng lượng tái tạo hay nhà phân tích chính sách môi trường.
Ông Yu Aitao nói: “Sinh viên đến với các nghề nghiệp xanh không chỉ vì đam mê, mà còn nhờ tiềm năng phát triển lớn, được hậu thuẫn bởi nhiều chính sách từ chính phủ”.
Sau khi tốt nghiệp, thanh niên ngoài 20 tuổi Qin Jiawei, đã trở thành kỹ thuật viên thu hồi carbon tại một trạm điện trên đảo Changxing. Năm 2023, trạm điện này khởi động dự án thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon với quy mô 100.000 tấn, nhằm thu gom CO₂ và cung cấp chúng cho các nhà sản xuất thiết bị hàng hải địa phương.
Qin Jiawei là một trong 22 kỹ sư với độ tuổi trung bình chỉ 25, đang vận hành dự án. Ông Shen Hao – lãnh đạo tại trạm điện trên đảo Changxing khẳng định: “Khi chúng tôi mở rộng quy mô, nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao sẽ còn tăng mạnh”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với lực lượng lao động trong lĩnh vực xanh, nhiều trường đại học và cao đẳng tại Trung Quốc đang tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. Bà Xu Juan, phó hiệu trưởng Trường Khoa học sinh thái và môi trường thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông, nhấn mạnh rằng thế hệ nhân lực xanh ngày nay được trang bị kỹ năng liên ngành đa dạng, từ khoa học, kỹ thuật đến tài chính và quản trị.
Trong khi đó, tại phòng thí nghiệm của Trường Kỹ thuật Xây dựng thuộc Đại học Đồng Tế, giáo sư Zhang Fengshou đang hướng dẫn một nhóm nghiên cứu về tiềm năng cô lập CO₂ bằng đá bazan dưới biển. Giáo sư Zhang Fengshou đánh giá: “Ngành xây dựng không chỉ liên quan đến làm đường, xây nhà như mọi người vẫn nghĩ. Chúng tôi hoàn toàn có thể đào tạo sinh viên trở thành chuyên gia trong lĩnh vực phát thải thấp”.
Bà Xu Juan cho rằng để phát triển nhân tài lĩnh vực môi trường, cần xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về phát triển xanh và phát thải thấp - như trung hòa carbon, tài chính xanh - đồng thời thúc đẩy các chương trình song bằng, các khóa học liên ngành để nâng cao năng lực toàn diện cho sinh viên.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, so với các nghề nghiệp truyền thống, các ngành nghề xanh mới nổi vẫn thiếu các tiêu chuẩn hành nghề và hệ thống chứng nhận bài bản.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc