Các công ty dầu khí Trung Quốc vừa khởi động chiến dịch khoan siêu sâu mới tại sa mạc Taklimakan, khu vực Tân Cương, nhằm khai thác thêm nguồn tài nguyên dầu khí từ lòng đất.
Hình minh họa một khu trữ dầu tại Trung Quốc. Ảnh: Oil Price
Chiến dịch này hướng đến các mỏ dầu và khí nằm ở độ sâu khoảng 8.000 m dưới lòng đất. Một trong những giếng khoan quan trọng, Manshen 72-H6, tại huyện Sa Nhã, được thiết kế đạt độ sâu tới 8.735 m.
Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động khoan siêu sâu cả trên đất liền và ngoài khơi nhằm gia tăng nguồn cung năng lượng trong nước, qua đó giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Cuối năm 2023, Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) thông báo đã khai thác thành công dòng dầu khí đầu tiên từ giếng khoan trên đất liền sâu nhất châu Á.
Bên cạnh Sinopec, các tập đoàn dầu khí hàng đầu khác của Trung Quốc như Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cũng đang triển khai nhiều dự án khoan quan trọng. Trong đó có mỏ dầu ngoài khơi Deep Sea #1 và giếng khoan Shendi Take 1 tại bể trầm tích Tarim.
Hiện Trung Quốc đang xây dựng một giàn khoan mới có khả năng khoan sâu hơn bất kỳ thiết bị nào trước đây trên đất liền.
Dự án này do Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc dẫn đầu, với sự tham gia của nhiều tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp. Mục tiêu là phát triển một giàn khoan thông minh có thể đạt độ sâu 15.000 m, tương đương khoảng 50.000 feet.
Theo Tân Hoa Xã, được tờ South China Morning Post trích dẫn, "Dự án Khoa học và Công nghệ Trái Đất Sâu cấp quốc gia là chiến lược mang tính định hướng tương lai, vừa đáp ứng các xu hướng nghiên cứu khoa học toàn cầu, vừa đảm bảo an ninh năng lượng và tài nguyên quốc gia".
Tại bể trầm tích Tarim, CNPC cũng đang thử nghiệm công nghệ khoan với độ sâu lên đến 11.000 m. Quá trình khoan bắt đầu từ năm 2023. Sau 279 ngày khoan liên tục, giếng khoan này đã vượt mốc 10.000 m, trở thành giếng sâu nhất từng được khoan tại Trung Quốc, theo truyền thông nước này.
Dũng Phan (Theo Oil Price)