Trung Quốc làm gì ở Panama khiến Mỹ lo ngại?

Trung Quốc làm gì ở Panama khiến Mỹ lo ngại?
5 giờ trướcBài gốc
Hoạt động tại hai cảng quan trọng nằm ở hai đầu kênh đào Panama hiện do công ty Hong Kong chi phối. Ảnh: Redux.
Trung Quốc có ảnh hưởng ra sao với kênh đào Panama?
Theo CNN, một trong những mối lo ngại lớn nhất của chính quyền ông Trump liên quan đến hai cảng quan trọng nằm ở hai đầu kênh đào Panama. Hai cảng này hiện do công ty cảng Panama (PPC) quản lý. PPC là công ty con của tập đoàn CK Hutchison Holdings, có trụ sở tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) – một trong những tập đoàn vận hành cảng biển lớn nhất thế giới với 53 cảng tại 24 quốc gia.
Từ năm 1997, CK Hutchison đã giành quyền khai thác hai cảng này khi Panama và Mỹ cùng quản lý kênh đào. Thỏa thuận sau đó được gia hạn thêm 25 năm vào năm 2021. Trước chuyến thăm Panama vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nói các công ty Hong Kong nắm quyền kiểm soát các điểm ra vào của kênh đào Panama là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Hong Kong là đặc khu hành chính của Trung Quốc kể từ năm 1997 và trên lý thuyết vẫn duy trì mức độ tự trị cao. Một số quan chức Mỹ lo ngại trong tình huống khẩn cấp, Trung Quốc có thể gây sức ép với các công ty Hong Kong nhằm "gây cản trở" hoạt động của kênh đào Panama, ảnh hưởng đến thương mại và hoạt động quân sự của Mỹ.
Dù vậy, PPC khẳng định rằng hơn 99% lực lượng lao động của họ là người Panama và chính phủ Panama vẫn giữ cổ phần chính.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tới thị sát kênh đào Panama vào tuần trước. Ảnh: AFP.
Ngoài CK Hutchison, các công ty Trung Quốc khác cũng tham gia vào hạ tầng kênh đào Panama. Một liên doanh giữa Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc và Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc đã trúng thầu xây dựng cây cầu trị giá 1,4 tỷ USD bắc qua kênh đào Panama để giảm ùn tắc giao thông tại thành phố Panama City. Đồng thời, tập đoàn vận tải biển COSCO của Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn nhất của kênh đào, với gần 300 tàu chở hàng qua lại mỗi năm.
Thực hư Trung Quốc “kiểm soát” kênh đào Panama
Theo CNN, các chuyên gia ở Mỹ nhận định không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc trực tiếp kiểm soát kênh đào Panama hoặc triển khai hoạt động quân sự tại đây.
Kênh đào này vẫn do Cơ quan Kênh đào Panama (PCA) quản lý, với các thuyền trưởng người Panama điều khiển tàu khi qua kênh.
Tuy nhiên, Washington vẫn cảnh giác với việc Bắc Kinh đang tăng cường hiện diện tại các cảng biển chiến lược trên toàn cầu, đồng thời lo ngại rằng điều này có thể giúp Trung Quốc mở rộng sức mạnh hải quân.
Trong phiên điều trần gần đây, Ngoại trưởng Marco Rubio cảnh báo, nếu xung đột nổ ra, một cường quốc nước ngoài có thể sử dụng ảnh hưởng kinh tế để biến kênh đào Panama thành một "nút thắt" chiến lược gây bất lợi cho Mỹ.
Giáo sư R. Evan Ellis thuộc Viện Chiến lược của Trường Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ nhận định: "Nếu Trung Quốc muốn phong tỏa kênh đào Panama vào thời điểm xảy ra xung đột, họ có vô số cách để làm điều đó, từ việc tấn công hệ thống kiểm soát cho đến các biện pháp gây gián đoạn khác. Sự hiện diện, ảnh hưởng và hiểu biết kỹ thuật của họ về kênh đào khiến Mỹ khó có thể đối phó”.
Một góc nhìn từ trên cao ở kênh đào Panama vào năm 2022. Ảnh: AFP.
Ngoài ra, một hiệp ước ký năm 1977 giữa Mỹ và Panama quy định rằng kênh đào phải duy trì trạng thái trung lập và Mỹ có quyền can thiệp quân sự nếu hoạt động của kênh đào bị gián đoạn bởi xung đột nội bộ hoặc tác động từ bên ngoài.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn chưa có ảnh hưởng thực sự đáng kể đối với hoạt động của kênh đào Panama. Ông Brian Wong, chuyên gia tại Trung tâm Trung Quốc Đương đại và Thế giới thuộc Đại học Hồng Kông, nói: "Mỹ vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Panama. Dù Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng thì vẫn bị giới hạn trong khuôn khổ nhất định”.
CEO Vincent Clerc của hãng vận tải biển Maersk nói với CNN rằng hoạt động của kênh đào Panama bị ảnh hưởng chủ yếu bởi hạn hán chứ không phải bởi sự hiện diện của Trung Quốc.
Mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Panama
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Panama đã phát triển mạnh kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2017. Panama từng ủng hộ đảo Đài Loan nhưng sau đó chuyển sang ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Panama, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hai nước. Khi đó, hai bên đã ký kết 19 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, cơ sở hạ tầng đến tài chính và du lịch. Panama là quốc gia Mỹ Latin đầu tiên tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức Panama vào năm 2018. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, khi chính phủ mới của Panama lên nắm quyền, một số dự án do Trung Quốc đề xuất đã bị hủy bỏ, trong đó có kế hoạch xây dựng một nhà ga container trị giá 1 tỷ USD và tuyến đường sắt cao tốc.
Sau cuộc gặp Ngoại trưởng Marco Rubio vào tháng trước, Tổng thống Panama José Raul Mulino tuyên bố rút khỏi sáng kiến Vành đai và Con đường. Động thái này được cho là một thắng lợi đối với Mỹ, đồng thời giáng một đòn mạnh vào tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực Mỹ Latin.
Dù vậy, các công ty Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào Panama. Một nhà ga hình du thuyền do Trung Quốc xây dựng đã được khánh thành vào năm ngoái, trong khi các tập đoàn như Huawei duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại các khu thương mại tự do ở Panama.
Chuyên gia Jiang Shixue từ Đại học Thượng Hải, nói: "Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào Panama nếu nước này có nhu cầu. Nhưng quyết định rút khỏi sáng kiến Vành đai và Con đường cho thấy áp lực từ Mỹ là rất lớn”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Will Freeman từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, Trung Quốc có thể đang hướng đến những dự án lớn hơn ở khu vực khác: "Kiểm soát các điểm chiến lược như kênh đào Panama có thể là mục tiêu của Trung Quốc, nhưng nó không quan trọng bằng dự án cảng biển Chancay ở Peru, nơi có thể tăng cường đáng kể thương mại giữa Nam Mỹ và Trung Quốc”.
Đăng Nguyễn - CNN
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/anh-huong-cua-trung-quoc-voi-kenh-dao-panama-lon-den-muc-nao-khien-my-can-thiep-204250702185102327.htm