Thừa nhận hàng không bị ảnh hưởng nặng
Theo hãng tin Reuters, ngày 29/4 (theo giờ địa phương), trả lời báo giới liên quan tới nghi vấn trả máy bay này, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẵn sàng ủng hộ hợp tác kinh doanh bình thường giữa hai nước. Đại diện này kêu gọi Washington tạo môi trường thương mại, đầu tư dễ đoán định.
Máy bay Boeing 737 đang trong quá trình sản xuất tại nhà máy Renton, Washington, Mỹ (Ảnh: AFP).
"Các hãng hàng không Trung Quốc và Boeing đã và đang bị ảnh hưởng nặng", vị đại diện thừa nhận và cho biết việc Mỹ áp thuế quan thời gian qua đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạt động vận tải hàng không cũng như đầu tư.
Bộ Thương mại Trung Quốc hy vọng Mỹ lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp để tạo dựng một môi trường thương mại và đầu tư ổn định.
Trước đó, hôm 15/4, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các hãng hàng không nước này dừng mọi hoạt động mua sắm thiết bị, linh kiện máy bay từ Mỹ. Bắc Kinh cũng áp thuế trả đũa 125% với hàng Mỹ. Động thái này được cho là nhằm đáp trả mức thuế 145% mà chính quyền Mỹ áp lên hàng Trung Quốc.
Song một số doanh nghiệp cho biết Trung Quốc đã miễn giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, yêu cầu các công ty xác định mặt hàng quan trọng cần được miễn giảm thuế nhập khẩu.
Điển hình, nhà sản xuất động cơ của Pháp Safran cho biết đã nhận được thông tin Trung Quốc miễn trừ một số mức thuế bổ sung đối với phụ tùng hàng không vũ trụ bao gồm động cơ, bánh đáp.
Nhiều hãng muốn mua máy bay mà Trung Quốc trả về
Thông tin ba máy bay đang lưu trữ tại nhà máy của Boeing ở Trung Quốc để chuẩn bị giao cho khách hàng ở nước này phải quay đầu về Seattle (Mỹ) rộ lên từ ngày 19/4.
Đến gần đây, Boeing xác nhận một số khách hàng của hãng tại Trung Quốc thông báo sẽ không nhận máy bay mới vì tình hình thuế quan và hãng đang tìm cách bán lại hàng chục máy bay cho các đối tác khác.
Reuters: Thêm máy bay Boeing bị trả ngược từ Trung Quốc về MỹĐỌC NGAY
Hãng cũng có động thái hiếm hoi khi công khai nêu rõ không thiếu người mua máy bay trong bối cảnh thị trường máy bay phản lực khó khăn.
Trong lúc này, một số hãng hàng không như Air India, Malaysia Airlines và Riyadh Air bày tỏ sẵn sàng mua máy bay phản lực từ Boeing nếu Trung Quốc trả về.
Tổng giám đốc điều hành của Riyadh Air, Tony Douglas cho biết hãng hàng không khởi nghiệp của Saudi sẽ sẵn sàng mua lại những chiếc máy bay Boeing mà các hãng hàng không Trung Quốc trả lại.
Trả lời phỏng vấn Reuters bên lề Hội nghị Thị trường Du lịch Ả Rập, ông Douglas cho biết: "Chúng tôi đã nói rõ với Boeing nếu điều đó xảy ra, xin nhấn mạnh là nếu, chúng tôi sẽ vui vẻ tiếp nhận tất cả".
Hãng bay Riyadh Air (dự kiến sẽ ra mắt vào quý IV/2025) đã đặt mua máy bay từ cả Boeing và Airbus với 60 máy bay thân hẹp dòng A321 từ Airbus vào tháng 10 năm ngoái và lên tới 72 máy bay Boeing 787 Dreamliner vào tháng 3/2023.
Hãng hàng không này kỳ vọng cả hai nhà sản xuất sẽ sớm giải quyết vấn đề chậm trễ giao hàng.
Trang Trần