Quang cảnh cảng hàng hóa Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đài CNN, chỉ trong vòng 48 giờ sau khi ông Trump công bố các mức thuế mới gây chấn động thị trường, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lập tức trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa và công ty Hoa Kỳ.
Giờ đây, Trung Quốc đang gửi đi một thông điệp rõ ràng: Quốc gia này đã chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với một cuộc chiến thương mại và thậm chí có thể trở nên mạnh mẽ hơn sau cuộc chiến này. Thông điệp này được truyền tải qua các bản tin của phương tiện truyền thông nhà nước vào cuối tuần qua, ngay sau khi Tổng thống Trump áp dụng các biện pháp thuế quan mạnh mẽ nhằm vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo hôm 6/4 bình luận: “Thuế quan của Hoa Kỳ sẽ có tác động đối với Trung Quốc, nhưng 'bầu trời sẽ không sụp đổ'”.
Bài viết khác được đăng trên trang nhất của ấn bản này ngày 7/4 cũng khẳng định: “Kể từ khi Hoa Kỳ khởi xướng cuộc chiến thương mại đầu tiên vào năm 2017, dù họ có gây áp lực thế nào đi chăng nữa, chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển và tiến bộ, chứng tỏ khả năng phục hồi – 'chúng tôi càng chịu nhiều áp lực, chúng tôi càng trở nên mạnh mẽ hơn’”.
Hôm 2/4, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ, nâng tổng mức thuế lên hơn 54% cho tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khi các mức thuế hiện hành có hiệu lực. Đến ngày 4/4, Bắc Kinh đã đáp trả bằng mức thuế tương tự 34% đối với tất cả hàng hóa Hoa Kỳ, cùng với các biện pháp khác như kiểm soát xuất khẩu khoáng sản đất hiếm và hạn chế giao thương với một số công ty Hoa Kỳ.
Ông Ryan Hass, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, đã viết trên mạng xã hội X vào ngày 6/4: “Nhiều đối tác cho rằng Hoa Kỳ đang mắc phải sai lầm lớn, điều này sẽ làm suy yếu vị thế toàn cầu của chính họ. Có một cuộc tranh luận liệu thế giới có đang bước vào thời kỳ phân cực hay là chuyển sang một kỷ nguyên toàn cầu hóa không có sự tham gia của Hoa Kỳ. Bắc Kinh dường như ủng hộ kịch bản thứ hai".
“Sẵn sàng cạnh tranh”
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi các mức thuế của ông Trump nhắm vào nhiều quốc gia, Trung Quốc trong thời gian gần đây đã tìm cách đưa nước này trở thành nhà bảo vệ cho nền kinh tế toàn cầu hóa, vốn đã thúc đẩy sự thịnh vượng cho các quốc gia trên toàn thế giới. Họ cũng muốn khẳng định Trung Quốc là đối tác kinh tế ổn định và là điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hôm 5/4. “Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thị trường tiêu dùng lớn thứ hai, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa rộng hơn bất kể tình hình quốc tế có thay đổi như thế nào”.
Trong khi đó, vào ngày 6/4, ông Ling Ji, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, đã tiếp đón đại diện từ 20 doanh nghiệp Hoa Kỳbao gồm Tesla và GE HealthCare. Ông Ling mô tả Trung Quốc là một “điểm đến lý tưởng, an toàn và đầy triển vọng” để đầu tư và kêu gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ trở thành “tiếng nói lý trí và hành động thiết thực” nhằm duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước CCTV, các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cũng cho rằng sự thay đổi trong thương mại quốc tế chính là một cơ hội cho Bắc Kinh.
Ông Ju Jiandong, giáo sư tại Trường Tài chính Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa, nhấn mạnh: “Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cạnh tranh trực tiếp để định hình lại trật tự thương mại quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với thử thách và cạnh tranh với Hoa Kỳ trong việc tái định nghĩa hệ thống thương mại toàn cầu mới”.
Trung Quốc thường sử dụng quyền tiếp cận thị trường khổng lồ như một công cụ để gây ảnh hưởng. Điều này khiến nhiều quốc gia phải cân nhắc xem liệu việc xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc có gây tổn hại cho ngành sản xuất nội địa và làm giảm giá tiêu dùng hay không.
Trong bối cảnh thuế quan của Hoa Kỳ áp dụng cho nhiều quốc gia, một số nước có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Nếu thuế quan của Hoa Kỳ trở thành chuẩn mực mới, họ sẽ phải tìm cách thích nghi.
Trong tháng qua, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc đàm phán kinh tế với Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia bị áp thuế lần lượt là 24% và 25% vào tuần trước, cũng như với Liên minh Châu Âu, nơi bị áp thuế 20%.
Nhiều nền kinh tế Đông Nam Á, là trung tâm sản xuất chủ yếu cho các công ty muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thuế quan do ông Trump phát động.
Thủ tướng Singapore Lawrence Wong phát biểu: “Thông báo gần đây của Hoa Kỳ về 'Ngày giải phóng' không còn chỗ cho sự nghi ngờ. Nó đánh dấu một bước ngoặt lớn trong trật tự toàn cầu. Kỷ nguyên toàn cầu hóa dựa trên luật lệ và thương mại tự do đã kết thúc. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn bảo hộ và đầy nguy hiểm”.
Thách thức trong nước
Xe điện xuất khẩu tại khu cảng Thái Thương, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang chuẩn bị đối mặt với những tác động của cuộc chiến thương mại – và nguy cơ leo thang hơn nữa.
Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt khoảng nửa nghìn tỷ USD. Các mức thuế mới được áp dụng trong bối cảnh Trung Quốc vừa tìm thấy những dấu hiệu phục hồi sau cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, nợ công gia tăng và những hệ quả từ các biện pháp kiểm soát đại dịch.
Vào tháng trước, Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước khi họ dự đoán sự ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu.
Giờ đây, Trung Quốc sẽ “đẩy mạnh tiêu dùng trong nước bằng các biện pháp mạnh mẽ và áp dụng các chính sách dự trữ khi cần thiết”, như được ghi nhận trong bình luận của tờ Nhân dân Nhật báo.
Tuy nhiên, các nhà phân tích từ Goldman Sachs cảnh báo rằng mức thuế mới 34% sẽ làm giảm GDP của Trung Quốc ít nhất 0,7 điểm phần trăm trong năm nay. Họ dự báo rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ cần phải tăng tốc các biện pháp nới lỏng để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà họ đã đề ra.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng những phản ứng trả đũa nhanh chóng và mạnh mẽ của Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ leo thang thuế quan từ cả hai phía.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kéo dài và leo thang đến mức nào vẫn là một câu hỏi, khi cả hai chính phủ đều có thể tăng thuế thêm nữa. Điều này sẽ khiến việc tìm kiếm một lối thoát cho cả hai nền kinh tế trở nên ngày càng khó khăn.
Hải Vân/Báo Tin tức