Mô phỏng ý tưởng về một căn cứ trên Mặt Trăng sẽ được Trung Quốc phát triển trong tương lai. Ảnh: Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc
Trong bản trình bày của ông Pei Zhaoyu, kỹ sư trưởng của sứ mệnh Hằng Nga 8 (Chang'e-8) năm 2028 của Trung Quốc, nguồn cung năng lượng cho căn cứ không gian này cũng có thể sẽ phụ thuộc vào các tấm pin năng lượng Mặt Trời quy mô lớn được xây dựng trên bề mặt Mặt Trăng.
Sứ mệnh Hằng Nga 8 của Trung Quốc nhằm đặt nền móng cho việc xây dựng một căn cứ mặt trăng có người sử dụng thường xuyên. Trung Quốc – quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đang hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc vũ trụ và đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030.
Lộ trình xây dựng tiền đồn ở cực Nam Mặt Trăng của Trung Quốc được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với chương trình Artemis đầy tham vọng và tiên tiến hơn của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) - với mục tiêu đưa các phi hành gia Mỹ trở lại bề mặt Mặt Trăng vào tháng 12/2025.
Vào năm ngoái, ông Wu Weiren, Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc và là nhà thiết kế chính của Dự án thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc, cho biết "mô hình cơ bản" của ILRS, với trung tâm là khu vực cực Nam của Mặt trăng sẽ được xây dựng vào năm 2035. Trong đó, việc phóng tàu thăm dò Hằng Nga lên Mặt Trăng là một phần của giai đoạn xây dựng "mô hình cơ bản" mà ông Wu đã đề cập.
Theo một kế hoạch trong tương lai, Trung Quốc cũng sẽ thành lập “Dự án 555”, mời 50 quốc gia, 500 viện nghiên cứu khoa học quốc tế và 5.000 nhà nghiên cứu ở nước ngoài tham gia ILRS.
Về phía Nga, vào cuối năm 2023, Văn phòng báo chí của Chính phủ Nga thông báo Ủy ban Pháp luật của Chính phủ Nga đã phê duyệt thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc ký kết tháng 11/2022 về việc lập Trạm nghiên cứu Mặt Trăng. Tham gia dự án có tập đoàn vũ trụ Nga Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc. Dự án dự kiến được thực hiện theo 3 giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu tiên, các sứ mệnh của Nga và Trung Quốc nhằm nghiên cứu Mặt Trăng, xác định vị trí triển khai Trạm Mặt Trăng và xác minh các công nghệ để đảm bảo hạ cánh mềm an toàn, có độ chính xác cao trên bề mặt Mặt Trăng. Khi đó, Nga dự kiến sẽ sử dụng tàu đổ bộ vũ trụ Luna-Glob để phục vụ nghiên cứu.
Ở giai đoạn thứ hai, Nga và Trung Quốc dự kiến thành lập trung tâm điều khiển cho Trạm Mặt Trăng, vận chuyển hàng rời lên vệ tinh và tạo ra các module quỹ đạo để cung cấp điện, thông tin liên lạc và cung cấp dịch vụ vận tải. Giai đoạn thứ ba nhằm khai thác Mặt Trăng, mở rộng chức năng của các module Trạm Mặt Trăng và hỗ trợ các đối tác quốc tế đưa người lên Mặt Trăng.
Theo văn kiện trên, các bên thống nhất hàng hóa vận chuyển theo thỏa thuận này sẽ được miễn thuế hải quan. Các bên cũng nhất trí thúc đẩy hoạt động công nghiệp liên quan đến việc chế tạo Trạm Mặt Trăng.
Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Nga, ông Vladimir Gruzdev, nhận định thỏa thuận này sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga với Trung Quốc.
Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc