Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 21-5, bà Mao Ninh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - đã được hỏi về dự án phòng thủ tên lửa Vòm Vàng (Golden Dome) của Mỹ. Bà cho rằng hệ thống này “mang những hàm ý tấn công mạnh mẽ” và làm gia tăng nguy cơ quân sự hóa không gian vũ trụ và chạy đua vũ trang.
“Mỹ, trong lúc theo đuổi chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’, bị ám ảnh tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối cho chính mình. Bước đi này vi phạm nguyên tắc ‘không được phép xâm phạm an ninh của tất cả quốc gia’ và làm suy yếu sự cân bằng, ổn định chiến lược toàn cầu. Trung Quốc rất quan ngại về điều này” - bà Mao nói.
Bà Mao kêu gọi Washington từ bỏ phát triển hệ thống càng sớm càng tốt và hành động để tăng cường lòng tin giữa các cường quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Trước đó hôm 20-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã chọn thiết kế cho dự án phòng thủ tên lửa trị giá 175 tỉ USD và chỉ định một vị tướng thuộc Lực lượng Không gian đứng đầu chương trình đầy tham vọng này.
Ông Trump nói Vòm Vàng có thể đánh chặn tên lửa siêu thanh, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tiên tiến và hoạt động hoàn toàn vào năm 2029. Theo Al Jazeera, thông báo này được đưa ra chưa đầy 4 tháng sau khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp khởi động phát triển chương trình.
Theo AP, kế hoạch của ông Trump một phần lấy cảm hứng từ hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel. Hệ thống tinh vi này, được phát triển trong nhiều thập niên dưới sự hỗ trợ của Mỹ, có khả năng phát hiện hỏa lực đang bay tới và chỉ triển khai nếu đầu đạn hướng về trung tâm dân cư hoặc cơ sở hạ tầng quân sự/dân sự nhạy cảm. Israel cho biết hệ thống này không đảm bảo 100% nhưng ngăn ngừa thiệt hại nghiêm trọng và vô số thương vong.
Arrow, hoạt động bên ngoài bầu khí quyển, được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm xa. David's Sling chống lại tên lửa tầm trung, còn Iron Dome (Vòm Sắt) chuyên bắn hạ tên lửa tầm ngắn với tỉ lệ thành công trên 90%. Ngoài ra, Israel đang xây dựng Iron Beam cho các mối đe dọa bằng công nghệ laser, với chi phí vận hành rẻ hơn nhiều so với các hệ thống hiện có.
Theo phương tiện truyền thông Israel, chi phí cho một lần triển khai Iron Dome là khoảng 50.000 USD, còn những hệ thống khác tốn tới 2 triệu USD/tên lửa. Ngược lại, Iron Beam sẽ chỉ tốn vài USD/lần đánh chặn, nhưng hệ thống này chưa hoạt động.
Phương Linh