Trung Quốc: Nở rộ trào lưu 'công việc cho mẹ'

Trung Quốc: Nở rộ trào lưu 'công việc cho mẹ'
7 giờ trướcBài gốc
Phụ nữ có con gặp khó khăn khi quay lại làm việc.
Chính sách này khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng lịch trình linh hoạt, giúp các bà mẹ cân bằng giữa công việc và gia đình.
Ưu tiên giờ giấc linh hoạt
Sau hơn một năm ở nhà nội trợ và chăm con, chị Shi Bingbing, sống tại thành phố Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc), háo hức quay lại công việc. Chị được nhận làm nhân viên bán hàng tại một quán cà phê nhỏ, khác hẳn với công việc kinh doanh đầy áp lực trước đây tại Tập đoàn Công nghệ Alibaba. Dù mức lương thấp hơn, nhưng bù lại, quán cà phê gần nhà và giờ giấc linh hoạt.
Thay vì phải di chuyển xa và làm việc đến khuya, giờ đây, người phụ nữ 36 tuổi này chỉ cần lái xe 30 phút để đến chỗ làm và về nhà lúc 5 giờ chiều. Điều đó giúp chị Shi tận hưởng bữa tối bên gia đình mà không bị ảnh hưởng bởi công việc.
Công việc mới của chị Shi Bingbing là một trong những “việc làm dành cho mẹ bỉm” - mô hình việc làm được chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc thúc đẩy trong những năm gần đây, đặc biệt hướng đến những bà mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên. Những công việc này mang lại sự linh hoạt về thời gian, môi trường làm việc thân thiện, giúp phụ nữ vừa theo đuổi sự nghiệp, vừa chu toàn vai trò làm mẹ.
Theo nghiên cứu năm 2023 của Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc, 82,7% bà mẹ nội trợ mong muốn quay lại làm việc, trong đó 48,3% quan tâm đến các công việc bán thời gian hoặc giờ giấc linh hoạt.
Dù các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đang nỗ lực tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho các bà mẹ, nhưng thực tế, phần lớn các vị trí hiện có chỉ cần kỹ năng thấp, như giúp việc gia đình, bảo vệ hoặc nhân viên phục vụ. Điều này có thể không đủ sức hấp dẫn đối với những phụ nữ từng đảm nhiệm các vai trò hành chính hoặc thậm chí là quản lý cấp cao, như chị Shi.
Phụ nữ Trung Quốc tìm kiếm công việc linh hoạt.
Hỗ trợ việc làm cho các bà mẹ
Khái niệm “công việc dành cho mẹ” xuất hiện từ năm 2022 thông qua một chính sách hỗ trợ phụ nữ do Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ban hành. Mục tiêu ban đầu của những công việc này là giúp phụ huynh đón con đúng giờ, chăm sóc con ốm hoặc đảm đương các trách nhiệm gia đình mà không phải từ bỏ công việc.
Sau khi chỉ thị được ban hành, nhiều tỉnh, thành trên khắp Trung Quốc đã triển khai các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia mô hình. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm trợ cấp an sinh xã hội, trợ cấp việc làm và giảm thuế, giúp giảm áp lực tài chính cho các công ty khi tuyển dụng lao động nữ có con nhỏ.
Một trong những thành phố tiên phong là Trung Sơn (Quảng Đông). Đây cũng là nơi đầu tiên triển khai mô hình kết hợp tạo việc làm với các ưu đãi thuế và chương trình đào tạo chuyên biệt.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ danh sách “công việc dành cho mẹ” trên toàn quốc, có thể thấy phần lớn các công việc này vẫn tập trung vào lao động chân tay, bán hàng, dọn dẹp và quản lý tài sản, với rất ít cơ hội trong các lĩnh vực kỹ thuật hoặc quản lý. Hơn nữa, nhiều vị trí chỉ là hợp đồng ngắn hạn, trả lương theo giờ, đồng nghĩa với việc không đảm bảo ổn định lâu dài.
Dù nhu cầu việc làm từ các bà mẹ là rất lớn, nhưng việc tuyển dụng vẫn gặp không ít khó khăn. Một quản lý tại công ty dịch vụ gia đình ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, cho hay phần lớn ứng viên còn trẻ và thiếu kinh nghiệm về nấu ăn hoặc dọn dẹp nhà cửa.
Ngược lại, những người có kỹ năng lại thường gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian làm việc phù hợp. Đối với những phụ nữ từng đảm nhiệm vị trí quản lý hoặc nhân viên văn phòng, việc chuyển sang các công việc chân tay như giúp việc nhà hay phục vụ là thử thách lớn.
Trước khi trở thành người nội trợ, chị Yao Niang từng là nhân viên bán hàng thành đạt. Nhưng giờ đây, ở tuổi 41, chị kiếm sống bằng công việc thái rau trong bếp ăn tại một trường công lập ở thành phố Chu Hải với mức lương khoảng 4 nghìn NDT mỗi tháng. Điểm đặc biệt là chị chỉ phải làm việc từ 5 giờ 30 phút sáng đến 3 giờ chiều và nghỉ cuối tuần. Do đó, Yao có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái.
Nhiều phụ nữ nghỉ làm ở nhà chăm con.
Chăm sóc cho cộng đồng
Theo khảo sát của Sixth Tone với 10 công ty trên khắp Trung Quốc đã triển khai mô hình “công việc dành cho mẹ”, phần lớn các vị trí thuộc ngành dịch vụ và công nghiệp nhẹ, như dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già và may mặc. Tất cả các nhà quản lý đều nhấn mạnh rằng tính linh hoạt trong công việc là điểm thu hút chính của các vị trí này.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố linh hoạt, các doanh nghiệp vẫn đặt ra yêu cầu nhất định đối với ứng viên. Một công ty tư vấn tại Sơn Đông cho biết họ ưu tiên tuyển dụng những ứng viên dưới 45 tuổi có kinh nghiệm bán hàng. Trong khi đó, tại Somehot Coffee, họ tìm kiếm “những bà mẹ thông minh, có năng lực, sẵn sàng đón nhận sự thay đổi và bắt kịp xu hướng” cho vị trí quản lý và pha chế.
Kể từ khi Trung tâm Phát triển Trẻ em Tongxin được thành lập tại Hàng Châu vào năm ngoái, ông Liu Li, Giám đốc trung tâm, đã dành phần lớn thời gian xây dựng cơ hội việc làm linh hoạt, giúp những bà mẹ có tay nghề cao tái hòa nhập thị trường lao động.
Với hai cơ sở chuyên về giáo dục và dịch vụ dành cho trẻ em và thanh thiếu niên, Tongxin cung cấp nhiều loại “công việc dành cho mẹ” như giảng dạy toàn thời gian, trợ giảng bán thời gian và các công việc theo khóa học. Nhờ đó, phụ nữ có thể lựa chọn công việc phù hợp với kinh nghiệm và khả năng của mình mà vẫn đảm bảo thời gian chăm sóc gia đình.
“Nhiều bà mẹ từng có sự nghiệp vững chắc trước khi sinh con, nhưng họ phải tạm gác lại để chăm sóc gia đình. Chúng tôi hy vọng những công việc này sẽ giúp họ tái hòa nhập xã hội và tìm lại đam mê nghề nghiệp”, ông Liu chia sẻ.
Không chỉ đơn thuần cung cấp việc làm, Trung tâm Tongxin còn chú trọng đào tạo và phát triển kỹ năng cho người nội trợ. Tất cả nhân viên đều được hướng dẫn chuyên môn tại chỗ, giúp họ mở rộng kiến thức và thử sức ở những lĩnh vực mới theo sở thích và năng lực cá nhân. Những bà mẹ có năng khiếu sư phạm thậm chí còn có thể tự thiết kế và giảng dạy các khóa học riêng.
Ngoài ra, Tongxin còn đóng vai trò là một nền tảng cộng đồng, tổ chức các buổi họp mặt, hội thảo chuyên đề và sự kiện giao lưu nhằm nâng cao kỹ năng và giúp các bà mẹ có thêm cơ hội kết nối xã hội.
Trong quan niệm của nhiều người Trung Quốc, việc chăm sóc con cái là trách nhiệm của phụ nữ.
Tìm lại sự cân bằng
Ông Liu Li cho rằng động lực khiến các bà mẹ nội trợ quay lại làm việc không hẳn đến từ áp lực tài chính, mà chủ yếu xuất phát từ nhu cầu chăm sóc trẻ em đang ngày càng gia tăng.
“Công việc của mẹ không chỉ đơn thuần mang lại thu nhập, mà còn tạo ra một nền tảng hỗ trợ và hợp tác giữa các bà mẹ. Chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ giúp nhiều phụ nữ hơn tìm được sự cân bằng giữa công việc và gia đình”, Liu nhấn mạnh.
Một trong những người hưởng lợi từ mô hình của Trung tâm Tongxin là chị Wang Ying. Hiện tại, cô thiết kế và giảng dạy các khóa học dành cho phụ huynh, trẻ em. Wang từng điều hành một doanh nghiệp thương mại điện tử trước khi ở nhà nghỉ sinh em bé và nuôi dạy con. Sau 3 năm, cô bắt đầu lại với Tongxin.
“Đó thực sự là một thử thách .Tôi từng gặp rất nhiều bà mẹ nội trợ mong muốn quay lại thị trường lao động, nhưng không biết liệu họ có thể cân bằng giữa công việc và gia đình hoặc liệu kỹ năng của họ có còn phù hợp với thị trường việc làm hay không? Tôi động viên họ phải vượt qua rào cản tinh thần”, chị nói.
Mặc dù, “công việc của mẹ” được ca ngợi là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ phụ nữ quay lại thị trường lao động, một số chuyên gia lo ngại rằng chính sách này có thể gây ra tác động tiêu cực ngoài ý muốn.
PGS Du Shichao, làm việc tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cảnh báo, mục tiêu ban đầu của chính sách là giảm bớt gánh nặng gia đình cho phụ nữ, nhưng thực tế, phụ nữ vừa phải kiếm tiền, vừa đảm nhiệm trách nhiệm chăm sóc gia đình.
Ông cũng chỉ ra rằng việc chính phủ chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc các doanh nghiệp áp dụng mô hình này khiến cho việc đánh giá tác động thực sự của chính sách trở nên khó khăn hơn.
Một trong những rủi ro mà ông Du đề cập là “hình phạt làm mẹ”, khi các nhà tuyển dụng có xu hướng đánh giá thấp khả năng cam kết công việc của phụ nữ có con, vì cho rằng họ phải dành quá nhiều thời gian cho gia đình. Điều này có thể dẫn đến mức lương thấp hơn, cơ hội thăng tiến bị hạn chế hoặc thậm chí là sự phân biệt đối xử ngầm.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng có “công việc của mẹ” vẫn tốt hơn là không có gì, vì ít nhất những vị trí này cho phép phụ nữ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Du gợi ý cần thay đổi về văn hóa và quan niệm xã hội. Trạng thái lý tưởng nhất là khi xã hội thay đổi nhận thức, để mọi công việc đều có thể trở thành “công việc của mẹ”, chứ không chỉ giới hạn trong một số ngành nghề hoặc vị trí cụ thể.
Theo Sixth Tone
Nguyễn Minh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/trung-quoc-no-ro-trao-luu-cong-viec-cho-me-post725708.html