Trung Quốc: Nở rộ xu hướng để con thứ hai mang họ mẹ

Trung Quốc: Nở rộ xu hướng để con thứ hai mang họ mẹ
18 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa: chinadaily
"Họ của một đứa trẻ không còn mang tính tuyệt đối"
Khi Triệu Văn chào đời tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 1988, dòng họ của cô vô cùng thất vọng vì cô là con gái. Lúc bấy giờ, ông bà của Triệu Văn luôn hy vọng gia đình có cháu trai để nối dõi tông đường. Cha của Triệu Văn có một em trai và một em gái.
Hy vọng có người "nối dõi tông đường" một lần nữa tan biến khi 2 năm sau, chú của cô cũng có con gái. Người Trung Quốc có câu "tuyệt đường hương hỏa" để chỉ viễn cảnh không có con trai nối dõi, một nỗi ám ảnh trong tư tưởng truyền thống. Thế nhưng đôi khi, sự thỏa hiệp có thể thay đổi số phận.
Năm 2023, khi Triệu Văn sinh con thứ hai - một bé trai, đứa trẻ mang họ mẹ. Trong xã hội Trung Quốc, việc con theo họ mẹ vẫn còn xa lạ nhưng Triệu Văn và chồng đã thống nhất điều này trước khi kết hôn.
"Đối với thế hệ một con như chúng tôi, họ của một đứa trẻ không còn mang tính tuyệt đối nữa", Triệu Văn chia sẻ. "Hôn nhân không còn là sự phụ thuộc của người vợ vào người chồng mà là sự kết hợp của hai cá nhân độc lập và bình đẳng. Vì vậy, con cái mang họ của chúng tôi là điều hoàn toàn hợp lý".
Tên thể hiện danh tính cá nhân của một người, trong khi họ đại diện cho dòng tộc. Theo quan niệm truyền thống, một đứa trẻ khi chào đời mặc nhiên mang họ cha, một tập quán đã tồn tại hàng nghìn năm.
Điều này chịu ảnh hưởng của xã hội gia trưởng, nơi đàn ông được xem là người có trách nhiệm duy trì dòng dõi gia đình. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, giá trị quan của con người cũng thay đổi. Hiện nay một số gia đình ở Trung Quốc đã để con mang họ mẹ.
Khi nhận thức về bình đẳng giới ngày càng tiến bộ và địa vị của phụ nữ cũng dần được nâng cao, nhiều người Trung Quốc không còn xem việc con cái mang họ cha là điều hiển nhiên, đặc biệt trong bối cảnh nước này cho phép các cặp vợ chồng có hai, thậm chí 3 con.
Năm 2023, Trung Quốc ghi nhận 3,64 triệu trẻ là con thứ hai được sinh ra, sau khi chính sách sinh con thứ hai được thực hiện vào năm 2016.
Theo Thẩm Dương, Phó Giáo sư chuyên ngành xã hội học về giới tính, gia đình và chính sách công tại Đại học Giao thông Thượng Hải, số trẻ mang họ mẹ đang tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô, nơi quan niệm truyền thống về hôn nhân và vai trò của phụ nữ đang dần thay đổi.
Việc phụ nữ sống cùng gia đình chồng và con cái bắt buộc mang họ cha từng là một phần của chế độ gia trưởng nhưng xu hướng này đang suy yếu. "Tại các thành phố lớn như Thượng Hải, mô hình truyền thống này ngày càng ít phổ biến và có nhiều trường hợp thách thức quy chuẩn cũ", ông Thẩm nhận định.
Hiện nay, bất kể con trai hay con gái, cha mẹ đều không ngần ngại đầu tư tài chính, thời gian và công sức để hỗ trợ con, từ việc mua nhà để con có cuộc sống hôn nhân ổn định đến giúp nuôi dạy cháu. Cách nhìn nhận này hoàn toàn khác so với trước đây, khi gia đình chỉ tập trung nguồn lực cho con trai nhằm đảm bảo việc nối dõi.
Theo ông Thẩm, nhận thức về bình đẳng giới là yếu tố quan trọng thúc đẩy các cặp vợ chồng cân nhắc việc để con mang họ mẹ. "Nhiều phụ nữ muốn đền đáp cho cha mẹ vì họ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy cháu", ông Thẩm nói.
Tuy nhiên, để trẻ được mang họ mẹ, gia đình người mẹ thường phải có sự đóng góp đáng kể cả về tài chính lẫn việc chăm sóc.
Thực tế, từ năm 1980, Luật Hôn nhân của Trung Quốc đã cho phép trẻ em có thể mang họ cha hoặc họ mẹ. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy, chỉ 1,4% những người sinh từ năm 1986 đến 2005 mang họ mẹ. Ngoài ra, một báo cáo năm 2020 cho thấy, tỷ lệ con mang họ mẹ so với họ cha là 1:12, điều này có nghĩa là 7,7% trẻ mang họ mẹ.
Bước tiến của xã hội
Con đầu lòng của Triệu Văn, một bé gái, chào đời vào năm 2015. Những năm sau đó, cô thấy nhiều bạn bè và người quen sinh con thứ hai, trong đó một số đứa trẻ mang họ mẹ. "Tôi coi đây là một bước tiến của xã hội. Là một người phụ nữ theo đuổi sự độc lập, tôi nghĩ việc để con mang họ mình là điều hợp lý", Triệu chia sẻ.
Chồng của Triệu Văn, 36 tuổi, họ Lưu, không quá bận tâm về việc con trai không mang họ mình. Anh cho biết, những tương tác với con gái đầu lòng giúp anh nhìn nhận thế giới theo góc nhìn của phụ nữ.
"Con gái sẽ quan sát vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội qua mẹ mình. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của con bé. Tôi thực sự hy vọng con gái sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, trong một thế giới tốt đẹp hơn", anh chia sẻ.
Một nữ giáo sư họ Thẩm và chồng đã thống nhất từ trước rằng con thứ hai của họ sẽ mang họ mẹ, dù là con trai hay con gái. "Thỏa thuận này cần được giữ nguyên, bất kể giới tính của đứa bé. Đó mới là công bằng thực sự", cô nói.
Hiện cô có hai con gái, bé lớn 5 tuổi và bé nhỏ 7 tháng. Chồng cô, Dương Phan, giảng viên tại một trường đại học ở Thượng Hải, so sánh sự công bằng này với hợp tác trong nghiên cứu học thuật.
"Giống như khi chúng tôi cùng đóng góp cho các bài nghiên cứu. Lần trước tôi là tác giả chính, còn cô ấy là tác giả liên hệ. Lần sau, chúng tôi hoán đổi vai trò với nhau", thầy Dương nói.
Ảnh minh họa: CNN
Sự ghi nhận vai trò của người mẹ
Triệu Văn tin rằng, quyết định để con trai mang họ mẹ là kết quả của bình đẳng giới. Nhưng với chồng cô, đó là sự ghi nhận những hy sinh mà vợ đã dành cho gia đình. Anh Lưu cho biết, vợ anh là người có sự nghiệp phát triển và luôn xuất hiện với hình ảnh mạnh mẽ trước mọi người.
Nhưng khi trở về nhà, cô luôn dịu dàng và tận tụy chăm lo cho chồng con. Điều này càng khiến anh thêm trân trọng cô. Một biến cố vào năm 2018 đã khiến anh Lưu càng kiên quyết giữ đúng thỏa thuận để con thứ hai mang họ mẹ.
Khi đó, Triệu Văn mang thai nhưng thai nhi không phát triển bình thường. Hai vợ chồng buộc phải đưa ra quyết định khó khăn là đình chỉ thai kỳ. Lưu ở bên vợ trong suốt quá trình ấy, tận mắt chứng kiến sinh linh nhỏ bé dần mất đi sự sống. "Sau tất cả, tôi nhận ra rằng, phụ nữ đã hy sinh quá nhiều cho gia đình", anh nói.
Khi con trai chào đời vào năm 2020, cả hai bên gia đình đều mong muốn cậu bé mang họ của mình. Tuy nhiên, Lưu vẫn kiên định với thỏa thuận trước đó. Trước sự thắc mắc của cha, anh thẳng thắn nói: "Con là cha của đứa trẻ, hãy để con tự quyết định".
Dù cháu trai không mang họ mình, ông nội đứa trẻ vẫn dành trọn tình yêu thương cho bé. Gia đình 4 người của Triệu Văn sống cùng cha mẹ ruột cô, những người chia sẻ nhiều trách nhiệm trong việc nuôi dạy các cháu.
Trong khi đó, ông bà nội gặp cháu một đến hai lần mỗi tháng và luôn trân trọng từng khoảnh khắc bên con cháu.
Dù hài lòng với quyết định của mình, anh Lưu thừa nhận, anh chưa thấy trường hợp nào tương tự trong số bạn bè và người quen của mình. Anh cho biết, hầu hết đàn ông không muốn chủ động trong những vấn đề như vậy.
Áp lực gia đình
Không phải lúc nào việc cho con mang họ mẹ cũng xuất phát từ mong muốn của người phụ nữ. Với Trần Như Kim, 38 tuổi, quê ở Cửu Giang, Giang Tây, quyết định này gắn liền với áp lực gia đình hơn là bình đẳng giới.
Sau khi kết hôn và sinh sống tại Thượng Hải, Trần Kim sinh con trai vào năm 2010 và con gái vào năm 2014. Việc sinh con thứ hai của cô là để đáp ứng kỳ vọng gia đình. Cha cô là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em và bà nội cô luôn mong muốn có cháu trai mang họ Trần.
Một người dì của cô đã cố gắng đáp ứng mong mỏi đó và mang thai khi đã lớn tuổi nhưng đáng tiếc, đứa bé mất sau 3 ngày chào đời. Cú sốc này khiến bà nội cô vô cùng đau buồn. "Lúc đó, tôi nói với bà rằng nếu bà thực sự mong muốn có một đứa cháu mang họ Trần, tôi có thể làm điều đó cho gia đình", cô chia sẻ.
Khi con gái thứ hai của Trần ra đời, đứa bé mang họ mẹ nhưng cha cô lại thất vọng vì giới tính của đứa trẻ. Ông đã hy vọng có một cháu trai. Trong khi đó, chồng của Trần Kim lại vui mừng khi có cả con trai và con gái.
Mặc dù cháu gái không mang họ nội nhưng mẹ chồng của Trần Kim không có thái độ phân biệt đối xử. Trong suốt thời thơ ấu của bé, bà là người chăm sóc cháu vào ban đêm.
Bà nói: "Tôi nghĩ rằng sự gắn bó giữa người phụ nữ và trẻ nhỏ phần lớn đến từ sự chăm sóc hằng ngày, trong khi đàn ông thường gắn bó với con cái theo cách khác, có thể liên quan nhiều hơn đến việc đứa trẻ có mang họ mình hay không".
Một cuộc khảo sát với 2.032 người do Trung tâm Khảo sát Xã hội Nhật báo Thanh niên Trung Quốc kết hợp với Questionnaire.com thực hiện cho thấy, hơn 50% người được hỏi chấp nhận con của họ theo họ mẹ.
Nguồn: China Daily
Ngọc Nguyễn
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/trung-quoc-xu-huong-de-con-thu-hai-mang-ho-me-2025040419085446.htm