Động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm mở rộng kiểm soát xuất khẩu đất hiếm đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt linh kiện và gián đoạn sản xuất trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Nếu Bắc Kinh siết chặt hoàn toàn nguồn cung, lượng tồn kho nam châm hiệu suất cao (thành phần thiết yếu trong xe điện) sẽ cạn kiệt chỉ trong vài tháng tới.
Theo giới chức và lãnh đạo doanh nghiệp, các hạn chế được áp dụng từ đầu tháng 4 nhằm vào bảy nguyên tố đất hiếm và các loại nam châm chuyên dụng trong xe điện, tua-bin gió và máy bay chiến đấu. Đây được xem là đòn đáp trả thuế quan 145% mà tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Theo một quan chức chính phủ Nhật Bản, lượng đất hiếm tồn kho hiện tại không đủ để ngành ô tô tránh được những “cú sốc” trong chuỗi cung ứng. Vấn đề đặt ra chuỗi cung ứng thay thế có được xây dựng kịp thời trước khi lượng dự trữ cạn kiệt hay không.
Ông Jan Giese, một nhà giao dịch kim loại tại công ty Tradium có trụ sở tại Frankfurt, cho biết hầu hết các tập đoàn ô tô và nhà cung ứng hiện chỉ nắm trong tay lượng nam châm đủ dùng cho 2–3 tháng. Nếu trong thời gian đó, châu Âu hay Nhật Bản không nhận được hàng, chuỗi cung ứng ô tô sẽ gặp rắc rối.
Nguyên tố đất hiếm là thành phần quan trọng trong xe điện, nam châm mạnh, máy bay chiến đấu tiên tiến, tàu ngầm, điện thoại thông minh, màn hình tivi và nhiều sản phẩm khác.
Trung Quốc hiện gần như độc quyền trong khâu tinh luyện đất hiếm nặng như dysprosium, terbium và samarium, chịu nhiệt tốt và là thành phần thiết yếu trong động cơ điện, máy bay, tên lửa và drone. Các loại đất hiếm nhẹ như neodymium và praseodymium chưa bị kiểm soát, nhưng vẫn có thể bị đưa vào danh sách nếu căng thẳng thương mại leo thang, theo ông Cory Combs, chuyên gia của công ty tư vấn Trivium, Bắc Kinh.
Kể từ năm 2023, Bắc Kinh đã từng bước mở rộng danh mục các khoáng sản bị kiểm soát xuất khẩu nhằm đáp trả các lệnh hạn chế công nghệ bán dẫn từ Mỹ. Dù vậy, việc cấp phép vẫn chưa thống nhất và thường kéo dài, gây thêm bất ổn cho thị trường vốn đã thiếu minh bạch.
Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ô tô nhận định, lệnh hạn chế này tạo ra ảnh hưởng lớn với Tesla và nhiều hãng khác, xếp ở mức “7 hoặc 8 trên thang điểm 10 về độ nghiêm trọng.”
Điều này cho thấy, hiện Trung Quốc đang sử dụng đòn bẩy mới, từ ăn miếng trả miếng thuế, chuyển sang gây áp lực trực tiếp, buộc các công ty kêu gọi chính phủ của họ thay đổi chính sách.
Một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với các lô hàng đất hiếm, đồng thời có động thái rút hàng khỏi thị trường, khiến giá cả càng khó đoán định.
Trong khi đó, Nhật Bản và nhiều nước đang kỳ vọng vào việc mở rộng năng lực sản xuất tại Malaysia của Lynas (Australia), dự kiến có thể cung ứng dysprosium và terbium từ giữa năm 2025.
Hiện vẫn chưa rõ Bắc Kinh sẽ triển khai các biện pháp kiểm soát ra sao kể từ thông báo ngày 2-4.
Theo Financial Times
Thu Trà