Trung Quốc siết xuất khẩu đất hiếm, chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt thử thách lớn

Trung Quốc siết xuất khẩu đất hiếm, chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt thử thách lớn
5 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc đã bắt đầu cấp phép cho một số lô hàng đất hiếm theo quy định kiểm soát xuất khẩu mới. Tuy nhiên, tiến độ phê duyệt chậm đang khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đầu tháng 4, Bắc Kinh áp dụng hạn chế xuất khẩu đối với bảy nguyên tố đất hiếm và nam châm vĩnh cửu - những vật liệu thiết yếu trong sản xuất xe điện, turbine gió, robot hình người và máy bay chiến đấu.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành tại Trung Quốc và chuyên gia chuỗi cung ứng, Bộ Thương mại nước này đã bắt đầu cấp một số giấy phép xuất khẩu sang châu Âu sau nhiều tuần trì hoãn. Tuy vậy, tốc độ phê duyệt hiện vẫn quá chậm để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng. Ông Wolfgang Niedermark, thành viên Ban điều hành Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), cảnh báo: “Cơ hội để tránh những tổn thất lớn đối với ngành công nghiệp châu Âu đang dần khép lại.”
Nhiều nhà sản xuất của Mỹ như Tesla, Ford và Lockheed Martin đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về các quy định xuất khẩu mới của Trung Quốc trong các cuộc họp gần đây với nhà đầu tư. Một giám đốc điều hành trong ngành tại Trung Quốc nhận xét tiến độ cấp phép hiện tại đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp quốc tế trong việc đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Một xe tải khai thác tự hành chạy điện đang vận chuyển quặng tại khu vực mỏ sắt Shuichang, thuộc Công ty khai thác Shougang, TP Thiên An, tỉnh Hà Bắc. Ảnh: Xinhua
“Qua quan sát thực tế, tôi thấy có sự đánh giá sai về mức độ ảnh hưởng và sự thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình thực thi” - vị này cho biết.
Việc Trung Quốc mở rộng kiểm soát xuất khẩu đất hiếm được xem là phản ứng trước loạt thuế quan quy mô lớn do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4. Theo quy định mới, các doanh nghiệp phải xin giấy phép để xuất khẩu bảy nguyên tố đất hiếm cùng các loại nam châm vĩnh cửu liên quan.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có cấp phép xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ kể từ khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đồng ý tạm thời ngừng leo thang thuế quan trong tháng này. Công ty Yantai Zhenghai Magnetic Material (tỉnh Sơn Đông) cho biết đã nhận được giấy phép và tiếp tục nhận đơn hàng từ một số khách hàng quốc tế. Theo hai nguồn tin, ít nhất một lô hàng gửi đến Volkswagen (Đức) đã được phê duyệt. Volkswagen xác nhận nguồn cung vẫn ổn định với số lượng giấy phép hạn chế.
Bộ Thương mại Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận chính thức. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành lo ngại quy trình cấp phép có nguy cơ quá tải khi lượng đơn đăng ký tiếp tục tăng. Một giám đốc điều hành châu Âu cho biết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chứng minh rằng hàng hóa sẽ không bị tái xuất sang Mỹ - yếu tố có thể dẫn đến vi phạm điều kiện cấp phép.
Tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, cho biết Trung Quốc đã yêu cầu cam kết về việc nam châm đất hiếm được sử dụng cho cánh tay robot của công ty sẽ không phục vụ mục đích quân sự.
“Đây là một ví dụ điển hình cho những thách thức hiện nay. Tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm vượt qua các vấn đề này” - ông chia sẻ với nhà đầu tư.
Ông Rajesh Jejurikar, Giám đốc Mahindra & Mahindra (Ấn Độ), cho biết quy trình xin chứng nhận sử dụng cuối - nhằm đảm bảo vật liệu không phục vụ mục đích quân sự - hiện chưa rõ ràng. Một quản lý tại Chengdu Galaxy Magnets nói rằng chính quyền Trung Quốc đặc biệt thận trọng với các lô hàng liên quan đến quốc phòng. Bà cho biết công ty vẫn hỗ trợ khách hàng nộp đơn, nhưng các trường hợp quân sự đều bị từ chối.
Nam châm vĩnh cửu được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-35 do Lockheed Martin sản xuất. Việc Trung Quốc siết chặt xuất khẩu những vật liệu này có thể gây gián đoạn ngắn hạn và buộc các nhà sản xuất phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng trong dài hạn. Ông Evan Scott, Giám đốc Tài chính Lockheed Martin, cho biết công ty hiện vẫn đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu đất hiếm cho cả năm và bày tỏ kỳ vọng chính quyền Mỹ sẽ ưu tiên phân bổ nguồn cung cho các chương trình có tính chiến lược.
Đọc thêm: Tổng thống Trump được vinh danh, Mỹ bất ngờ thu hút tỷ USD từ Trung Đông
Ông Cameron Johnson, chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và chuỗi cung ứng, đồng thời là đối tác tại Tidalwave Solutions (Thượng Hải), cho rằng một số tập đoàn lớn có mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc đã được tiếp cận nguồn cung đất hiếm ngay cả trước khi đơn xin cấp phép chính thức được phê duyệt.
“Nguồn hàng vẫn đang tiếp tục được vận chuyển” - ông cho biết.
Ông Cory Combs, Phó giám đốc Trivium China (Bắc Kinh), cho rằng không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với các đối tác. Trong bối cảnh hai nước vừa đạt thỏa thuận tạm ngừng áp thuế trong 90 ngày, ông kỳ vọng sẽ có thêm giấy phép được cấp. Tuy nhiên, ông cảnh báo vẫn còn nhiều bất định, vì Trung Quốc có thể điều chỉnh kiểm soát để duy trì lợi thế chiến lược trong đàm phán.
Các chuyên gia đánh giá lệnh kiểm soát mới sẽ thúc đẩy nỗ lực từ các quốc gia phương Tây nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc trong dài hạn.
Tùng Lâm
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/trung-quoc-siet-xuat-khau-dat-hiem-chuoi-cung-ung-toan-cau-doi-mat-thu-thach-lon.707281.html