Theo chính sách mới, được cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc thông qua vào tháng 9, độ tuổi nghỉ hưu theo luật định đối với nam giới sẽ được tăng dần từ 60 lên 63 trong vòng 15 năm kể từ ngày 1/1/2025, trong khi phụ nữ làm văn phòng nghỉ hưu ở tuổi 58 thay vì 55, và phụ nữ lao động phổ thông nghỉ hưu ở tuổi 55 thay vì 50.
Bắt đầu từ năm 2030, số năm đóng góp lương hưu cơ bản tối thiểu để hưởng trợ cấp hàng tháng sẽ được tăng dần từ 15 năm lên 20 năm với tốc độ tăng 6 tháng mỗi năm.
Chính sách mới cho phép người lao động nghỉ hưu sớm ba năm nếu đáp ứng điều kiện, hoặc tiếp tục làm việc thêm ba năm với sự đồng ý của người sử dụng lao động.
Ảnh minh họa: Unsplash
Những cải cách này được kỳ vọng giúp giảm áp lực cho hệ thống lương hưu và phù hợp với tuổi thọ trung bình đã tăng từ 40 tuổi vào những năm 1950 lên 78 tuổi hiện nay, theo thống kê của Liên hợp quốc.
Quyết định này xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và dân số già tăng cao. Số người từ 60 tuổi trở lên tại Trung Quốc dự kiến tăng từ 297 triệu hiện nay lên 400 triệu vào năm 2035. Tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 20% dân số trong thập kỷ tới, đưa Trung Quốc vào danh sách các xã hội "siêu già" cùng Nhật Bản và Hàn Quốc.
Dù nhà nước đã chấm dứt chính sách một con vào năm 2016 và khuyến khích sinh con thông qua nhiều biện pháp, các yếu tố như chi phí sinh hoạt đô thị cao, tiền lương trì trệ, và thái độ thay đổi đối với việc xây dựng gia đình ở giới trẻ đã cản trở nỗ lực này.
So với các nước phát triển, tuổi nghỉ hưu mới của Trung Quốc vẫn thấp hơn. Tại Anh, tuổi nghỉ hưu là 66, trong khi ở Mỹ và Đức là 66 hoặc 67, tùy thuộc vào năm sinh.
Giáo sư Yuan Xin từ Đại học Nam Khai nhận định rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu là cần thiết trong bối cảnh dân số, kinh tế và xã hội của Trung Quốc thay đổi đáng kể sau 70 năm.
Ngọc Ánh (theo Newsweek, China Daily)