Trung Quốc thử nghiệm 'GPS' Trái Đất - Mặt Trăng

Trung Quốc thử nghiệm 'GPS' Trái Đất - Mặt Trăng
2 ngày trướcBài gốc
Mặt trăng. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN
Theo thông báo của Phòng thí nghiệm Khám phá không gian sâu, sau một tuần bay thử nghiệm, ngày 22/5 vừa qua vệ tinh Thiên Đô-1 đã thành công trong việc tiến vào quỹ đạo cộng hưởng 3:1 giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Điều này có nghĩa là: với mỗi vòng quay của Mặt Trăng quanh Trái Đất, Thiên Đô-1 hoàn thành 3 vòng quay quanh Trái Đất.
Quỹ đạo này tạo ra một mô hình chuyển động đều đặn giữa hai thiên thể, đồng thời có các đặc tính cơ học đặc biệt, cần năng lượng tương đối thấp để duy trì.
Việc làm chủ được quỹ đạo cộng hưởng 3:1 không chỉ là một thành tựu kỹ thuật mà còn mang tầm chiến lược đối với tham vọng của Trung Quốc trong xây dựng hệ thống hạ tầng không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Dữ liệu bay thu thập từ Thiên Đô-1 sẽ cung cấp nền tảng cho các nghiên cứu chuyên sâu về điều hướng và điều khiển tàu vũ trụ trong môi trường trọng lực phức tạp - một yếu tố then chốt để tiến tới các sứ mệnh dài hạn như xây dựng trạm Mặt Trăng, mạng lưới liên lạc và định vị không gian.
Thiên Đô-1 được phóng vào tháng 3/2024 cùng vệ tinh Thiên Đô-2 và chùm vệ tinh Thước Kiều-2 (Queqiao-2) - thành phần cấu tạo chủ chốt của hệ thống liên lạc không gian Mặt Trăng thế hệ mới. Cả hai vệ tinh Thiên Đô đã hoàn tất nhiều thử nghiệm công nghệ trên quỹ đạo, góp phần chứng minh khả năng hoạt động của các hệ thống dẫn đường và liên lạc trong môi trường không gian sâu.
Trong giai đoạn tiếp theo, Thiên Đô-1 sẽ tiếp tục sứ mệnh mở rộng, nhằm kiểm nghiệm các công nghệ then chốt cho việc thiết lập một mạng lưới định vị và thông tin liên hành tinh - một "GPS" phiên bản vũ trụ giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
Thanh Phương (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trung-quoc-thu-nghiem-gps-trai-dat-mat-trang-20250528162304095.htm