Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) thông tin cuộc thử nghiệm được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra xem robot có thể bảo trì đường ống và vận hành an toàn hay không.
CMSA tiết lộ: “Trong quá trình thử nghiệm, robot di chuyển trơn tru và đáng tin cậy qua ống thẳng, ống cong và ống côn có đường kính khác nhau”.
Phi hành gia Thần Châu-19 thực hiện cuộc thử nghiệm.
Các đường ống trên trạm vũ trụ Thiên Cung có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Đồng thời, đường kính có sự khác biệt lớn và kích thước thay đổi đột ngột khiến robot khó thích nghi, tăng nguy cơ bị kẹt.
Để đảm bảo thiết bị đủ linh hoạt và thích ứng, nhiều nhà phát triển đã nghiên cứu chuyển động của ống chân thủy lực mà nhiều động vật biển như sao biển sử dụng để di chuyển.
Robot cũng trang bị cảm biến toàn thân giúp hình thành “bộ não thông minh” và có khả năng tự động kéo dài, co lại khi chịu lực tác động để duy trì áp lực lên thành ống, cho phép chân của robot điều chỉnh khi đường kính ống thay đổi.
Cuối năm 2024, Trung Quốc cũng phóng vệ tinh tự lái đầu tiên trên thế giới có thể duy trì hoặc thay đổi lộ trình bay mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Trái đất.
Học viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ Thượng Hải (SAST) tuyên bố vụ phóng đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển ngành khảo sát và lập bản đồ không gian thương mại của Trung Quốc. Bộ đôi vệ tinh sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho vệ tinh thương mại "tự lái".
SAST cho biết trong thông báo: "Lần đầu tiên trên thế giới, bộ đôi vệ tinh sau khi đi vào vận hành trên quỹ đạo có thể đạt được khả năng tự động điều chỉnh quỹ đạo bay ở mức sai số dưới 100 m và bay phối hợp theo đội hình ở mức dưới 1 m”.
Học viện lưu ý thêm việc này có thể đơn giản hóa khả năng kiểm soát trên quỹ đạo và đảm bảo an toàn cao hơn.
Kông Anh (Nguồn: SCMP)