Các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn của Trung Quốc đã tung ra nhiều chính sách hỗ trợ sản phẩm xuất khẩu quay về nội địa. Ảnh: SCMP
Các tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc cùng nhiều hiệp hội ngành nghề đang chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nước này chuyển hướng sang thị trường nội địa trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, trang South China Morning Post đưa tin.
Trong diễn biến mới nhất, ông lớn giao đồ ăn và giao hàng theo yêu cầu Meituan cho biết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tạo cửa hàng trên nền tảng này, cũng như có các chính sách ưu đãi về tiếp thị, vận hành, giao hàng.
Điều này nhằm xây dựng hệ sinh thái “thương mại nội địa và quốc tế tích hợp”, giúp các sản phẩm xuất khẩu “mang lại lợi ích cho nhiều người tiêu dùng trong nước hơn”.
Chỉ vài ngày trước đó từ 10 – 13/4, những tên tuổi lớn như JD.com và Freshippo cũng đã triển khai hàng loạt sáng kiến nhằm giúp các doanh nghiệp vốn chủ yếu xuất khẩu giờ đây có thể bán hàng trong nước. Bên cạnh đó, nhiều hiệp hội ngành nghề hàng đầu cấp quốc gia cũng cam kết mở rộng các kênh tiêu thụ nội địa cho nhóm doanh nghiệp này.
Trong một tuyên bố chung mới đây, Phòng Thương mại tổng hợp Trung Quốc cùng với bảy hiệp hội khác đánh giá, việc Mỹ liên tục gia tăng thuế quan khiến “việc mở rộng thị trường nội địa, thúc đẩy hội nhập giữa thương mại trong nước và quốc tế, và hỗ trợ chuyển đổi hàng xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa trở thành nhiệm vụ cấp bách”.
Những hiệp hội này – bao gồm lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ ăn uống và khách sạn – đã cam kết xây dựng các kênh kết nối và nền tảng bán hàng nhằm “giảm bớt áp lực cấp bách” mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt.
Hoạt động thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở nên gần như không khả thi về mặt thương mại sau hàng loạt động thái “ăn miếng trả miếng” về thuế quan từ cả hai phía.
Washington hiện đã áp mức thuế lên tới 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm nay, đưa tổng mức thuế có hiệu lực lên khoảng 156%. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng nâng thuế lên hàng hóa Mỹ lên 125%, chưa kể các mức thuế đã có trước đó.
Trong bối cảnh đầy biến động này, East Buy – công ty thương mại điện tử của tập đoàn giáo dục tư nhân New Oriental Education & Technology Group – đã phát động một chiến dịch đặc biệt nhằm đưa các sản phẩm xuất khẩu cao cấp đến với người tiêu dùng Trung Quốc thông qua hình thức mua sắm qua livestream.
Chiến dịch này nhằm “hỗ trợ các doanh nghiệp ngoại thương xuất sắc nhanh chóng mở rộng thị trường trong nước và tiếp thêm động lực mới cho nhu cầu tiêu dùng nội địa”, đơn vị này cho biết ngày 12/4.
Chỉ một ngày trước đó, JD.com – một trong những gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc – đã công bố kế hoạch mua ít nhất 200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 27,5 tỷ USD) hàng xuất khẩu để tiêu thụ trong nước trong vòng 12 tháng tới.
Kế hoạch này bao gồm việc triển khai các nhóm thu mua chuyên nghiệp làm việc trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu, thiết lập các khu vực trưng bày riêng biệt cho hàng xuất khẩu chất lượng cao và hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ qua các chiến dịch tăng lưu lượng truy cập.
JD.com cũng nhấn mạnh cần tránh xảy ra các cuộc chiến về giá bởi thị trường nội địa vốn đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất sản xuất và nhu cầu tiêu dùng yếu.
Freshippo – nền tảng bán lẻ thực phẩm tươi sống thuộc sở hữu của Alibaba – đã mở các kênh giúp doanh nghiệp xuất khẩu thiết lập cửa hàng trực tuyến nhanh hơn, hứa hẹn phê duyệt hồ sơ trong vòng 24 giờ và đơn giản hóa quy trình chứng nhận.
Hàng loạt nền tảng trực tuyến khác, bao gồm Douyin, Kuaishou và VIP.com, cùng các nhà bán lẻ truyền thống như Yonghui, CR Vanguard và Lianhua cũng đã công bố các động thái tương tự.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao cho biết qua nhiều năm, một số công ty đã đa dạng hóa thị trường sang ngoài Mỹ, một số tập trung nâng cao giá trị sản phẩm để cải thiện biên lợi nhuận, trong khi một số khác đã chuyển hướng phục vụ người tiêu dùng trong nước.
“Thời điểm trước năm 2018, 70 – 75% thị trường của chúng tôi nằm ở Mỹ – điều đó quá rủi ro. Giờ đây con số này đã giảm xuống dưới 40%”, một lãnh đạo của công ty thiết bị y tế Bluesail Medical chia sẻ.
Một lãnh đạo khác từ công ty Sichuan EM Technology – chuyên sản xuất vật liệu mới phục vụ tiêu dùng như vật liệu quang học và điện tử – cho biết: “Cuộc chiến thương mại đã buộc chúng tôi phải chuyển đổi – và cũng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đó”.
Mai Anh