Tháng 12/2024, chiếc máy bay khổng lồ ba động cơ, không đuôi, có cánh bay xuất hiện tại Thành Đô, Trung Quốc gây xôn xao trong giới quân sự. Thời điểm đó, các chuyên gia nhận định đây là chuyến thử nghiệm đầu tiên máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Trung Quốc.
Đặt tên tạm thời là J-36, máy bay được mô tả có thiết kế thân hỗn hợp, có khả năng mang tên lửa cho các cuộc tấn công tầm xa.
Tạp chí Trung Quốc Acta Aeronautica et Astronautica Sinica gần đây đã chỉ ra rằng, các nhà thiết kế của J-36 đang trong giai đoạn phát triển biến thể hải quân để tích hợp với hạm đội tàu sân bay của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Tao Cheng Gang, phó giám đốc thiết kế của Viện nghiên cứu và thiết kế máy bay Thành Đô, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí cho biết: "Rủi ro đối với các phi công khi cố gắng hạ cánh máy bay thế hệ thứ sáu trên tàu sân bay là cực kỳ cao".
Ông lưu ý rằng, máy bay J-36 hạ cánh trên tàu sân bay phải đối mặt với thách thức lớn, đó là thiết kế phải loại bỏ các phần đuôi truyền thống để tàng hình khiến việc hạ cánh chính xác trở nên khó khăn.
Ngoài ra, nếu không có bộ ổn định ngang, máy bay cũng gặp khó khăn trong việc duy trì kiểm soát độ cao. Các bề mặt điều khiển dự phòng, chẳng hạn như cánh tà và bộ phận làm lệch hướng khe cánh gió thường giao thoa với nhau, cũng có thể tạo ra lực gây mất ổn định.
Một vấn đề khác mà các nhà thiết kế đang tìm hướng khắc phục là "hiệu ứng sóng - gió tàu sân bay" - luồng không khí hỗn loạn phía sau tàu sân bay có thể làm gián đoạn đường bay.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Tao khẳng định: "Việc triển khai máy bay J-36 với khả năng tàng hình trên tàu sân bay có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc, tăng cường đáng kể khả năng hoạt động của hải quân".
Giải pháp đột phá
Theo Aeronautica et Astronautica Sinica, ông Tao và nhóm thiết kế đang hợp tác với Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh để tìm ra một số cải tiến quan trọng.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phát triển một hệ thống "kiểm soát lực trực tiếp" tách biệt các điều chỉnh đường bay, cho phép phi công điều chỉnh lực nâng trực tiếp mà không làm mất ổn định độ cao. Theo bài báo, hệ thống này tính toán các điều chỉnh bề mặt điều khiển theo thời gian thực mà không cần dựa vào cơ sở dữ liệu khí động học.
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng, việc phụ thuộc vào các cơ sở dữ liệu này là điểm yếu của các hệ thống cũ, do đó, họ đã chuyển sang một mô-đun được thiết kế riêng, có tên là Bộ quan sát nhiễu động thời gian cố định (FTDO).
Theo đó, trong quá trình máy bay hạ cánh, các bộ phận làm lệch hướng khe cánh gió điều chỉnh luồng không khí qua các vạt sau, duy trì quyền kiểm soát ngay cả trong một số điều kiện bay không theo kế hoạch.
Quỳnh như
Theo SCMP