Quốc kỳ Trung Quốc trước một cửa hàng Apple tại Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Trung Quốc đang kêu gọi cơ quan quản lý và chính quyền địa phương hạn chế chuyển giao, xuất khẩu thiết bị gia công chuyên dụng trong nước sang Ấn Độ và Đông Nam Á.
Đây được xem là động thái củng cố ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, hạn chế cắt giảm việc làm và ngăn chặn nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi đất nước, trong trường hợp chính quyền Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump áp đặt các rào cản thương mại mới.
Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến một số công ty như Apple hay BYD, các doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nhiều nước châu Á.
Đối tác Apple gặp rắc rối
Theo Bloomberg, đối tác lắp ráp chính của Apple là Foxconn không thể cử nhân viên từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Các nhà máy tại quốc gia này cũng không thể nhận thêm máy móc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng chưa ảnh hưởng lập tức đến quá trình sản xuất.
Ấn Độ là một trong những quốc gia chiến lược của Apple nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể leo thang khi ông Trump trở lại Nhà Trắng ngày 20/1.
Nhà máy lắp ráp của Foxconn tại thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ đóng góp một nửa lượng iPhone xuất khẩu từ nước này, tuy Táo khuyết vẫn sản xuất phần lớn iPhone ở Trung Quốc.
Nguồn tin giấu tên cho biết Trung Quốc không muốn Foxconn tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sản xuất sang khu vực khác.
Foxconn tuyển dụng hàng trăm nghìn công nhân tại các nhà máy khắp Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh của công ty đóng vai trò quan trọng với chuỗi cung ứng thiết bị điện tử, việc làm tại địa phương.
Một nhà máy của Foxconn tại Hà Nam (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg.
Sự giám sát diễn ra khi ông Trump đe dọa áp thuế 10% với tất cả hàng hóa Trung Quốc. Điều này khiến nhiều công ty như HP, Dell, Microsoft và Apple tìm cách dịch chuyển sản xuất khỏi quốc gia này.
Chuỗi cung ứng công nghệ đã cảm nhận “sức nóng” từ căng thẳng Mỹ-Trung thời gian gần đây. Ngày 12/1, chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố biện pháp hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với chip AI tiên tiến. Đất nước tỷ dân đáp trả với lệnh cấm xuất khẩu gali, germani, antimon và các vật liệu siêu cứng khác sang Mỹ.
“Không chỉ Apple, các vật liệu và thiết bị xuất khẩu của nhiều khách hàng Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Hải quan kiểm tra nghiêm ngặt hơn rất nhiều, điều này thực sự ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng ra ngoài Trung Quốc”, lãnh đạo một công ty đối tác của Apple trả lời Nikkei.
Hạn chế dịch chuyển chuỗi cung ứng
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhiều công ty nước ngoài đã dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Theo nhà kinh tế Woods Chen từ Yuanta Securities (Đài Bắc), làn sóng này có thể dữ dội hơn, bao gồm các công ty công nghệ trong tương lai.
“Tình hình sẽ không cải thiện trong ngắn hạn, thậm chí trở nên tồi tệ hơn”, Chen cho biết.
Theo nguồn tin của Nikkei, chuỗi cung ứng gặp các trường hợp lẻ tẻ từ tháng 8/2024, khi thiết bị xuất sang Đông Nam Á hoặc Ấn Độ bị hải quan Trung Quốc giữ trong nhiều ngày mà không có lý do cụ thể.
Tình hình leo thang từ tháng 12/2024 khi viên chức hải quan Trung Quốc viện dẫn biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới.
Các công ty Mỹ như Apple, Microsoft, Google... mở rộng sản xuất sang Ấn Độ và Đông Nam Á trong 5-6 năm qua. Dù đã chuyển một phần năng lực, họ vẫn phải nhập vật liệu và thiết bị từ Trung Quốc để xây dựng dây chuyền.
“Nhiều vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, và chúng tôi đã quen với thiết bị rẻ hơn được sản xuất tại quốc gia này. Phải mất thêm thời gian, chi phí để tìm và xác minh nhà cung cấp mới.
Chúng tôi không thể xây dựng dây chuyền sản xuất dù chỉ thiếu một thiết bị”, một nhân vật trong ngành nhấn mạnh.
Người dùng trải nghiệm iPhone 16 trong một cửa hàng Apple. Ảnh: Bloomberg.
Trung Quốc liệt kê hơn 160 trang vật liệu, mặt hàng cần giám sát, bao gồm nguyên liệu thô và kim loại như vonfram, than chì, magie và hợp kim nhôm thường được sử dụng trong chuỗi cung ứng công nghệ.
Một số thiết bị để thử nghiệm và sản xuất, chẳng hạn như bộ chuyển đổi analog sang kỹ thuật số, có thể hoạt động ở -54 đến 125 độ C, công cụ thử nghiệm con quay hồi chuyển cũng nằm trong danh sách.
Gali và than chì là những nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất chip và ứng dụng điện áp cao như xe điện, hệ thống điện. Trong bản đánh giá chuỗi cung ứng năm 2021, chính quyền ông Biden mô tả đó là những vật liệu chiến lược, với sự phụ thuộc "đáng lo ngại" vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Ảnh hưởng ngành xe điện, pin mặt trời
Hạn chế xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc cũng tác động đến ngành sản xuất xe điện và pin mặt trời tại Ấn Độ. Các chi nhánh tại Ấn Độ của hãng xe BYD và công ty sản xuất pin mặt trời Waaree Energies đều bị ảnh hưởng.
Tháng 9/2024, Bloomberg đưa tin chính quyền Trung Quốc muốn hạn chế chuyển giao công nghệ sản xuất xe điện tiên tiến. Trong một cuộc họp trước đó 2 tháng, các quan chức khuyên công ty ôtô không nên đầu tư vào lĩnh vực này tại Ấn Độ.
Về phía Ấn Độ, nguồn tin cho biết chính phủ nước này đã biết về lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc, nhưng không nghĩ rằng Ấn Độ là mục tiêu.
Gian hàng BYD trong một triển lãm xe tại Trung Quốc. Ảnh: NurPhoto.
Tình hình căng thẳng tại biên giới Trung-Ấn dịu đi trong thời gian gần đây. Cả 2 dần bình thường hóa quan hệ, song Ấn Độ vẫn duy trì hạn chế đầu tư của Trung Quốc, hạn chế cấp thị thực cho công dân Trung Quốc, bao gồm kỹ sư và kỹ thuật viên trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Trong năm 2024, một số đối tác gia công của Apple tại Trung Quốc như Justec Shenzhen, Bozhon Precision Industry Technology đã nhận câu hỏi từ quan chức địa phương về lý do gửi thiết bị sang Ấn Độ. Dù vậy, chưa rõ các công ty có hủy gửi hàng sang Ấn Độ hay không.
Phúc Thịnh