Trung Quốc và châu Âu chọn BigTech làm 'con tin' trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ

Trung Quốc và châu Âu chọn BigTech làm 'con tin' trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ
6 giờ trướcBài gốc
Các ông lớn công nghệ Mỹ bị lôi vào cuộc chiến thuế quan
Ngay sau khi chính quyền ông Donald Trump áp thuế 10% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy, theo Bloomberg, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị điều tra Apple về hành vi độc quyền.
Cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc đang xem xét mức phí 30% mà Apple thu từ các giao dịch trong ứng dụng, cùng với những hạn chế mà hãng này áp đặt lên cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba và dịch vụ thanh toán tại thị trường tỷ dân.
Đáng nói là không chỉ Apple, Trung Quốc cũng tái khởi động các cuộc điều tra với Google và Nvidia với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền và đang xem xét mở một cuộc điều tra tương tự với Intel, The Financial Times đưa tin.
Nếu bị kết luận vi phạm, các tập đoàn này có thể đối mặt với án phạt nặng hoặc thậm chí bị hạn chế quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc. Điều này được giới quan sát nhận định là một động thái đáp trả thuế quan của Mỹ.
Không chỉ Trung Quốc, EU cũng đang chuẩn bị những biện pháp mạnh tay nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục sử dụng thuế quan để gây sức ép.
Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố Mỹ "chắc chắn sẽ áp thuế đối với Liên minh châu Âu", nhằm buộc EU phải “nhượng bộ” các quy định kiểm soát đối với các tập đoàn công nghệ Mỹ và các vấn đề chính trị, theo Fortune.
Về phía doanh nghiệp, CEO Meta, Mark Zuckerberg cho rằng các khoản phạt chống độc quyền của EU, như khoản tiền phạt 840 triệu USD với Facebook Marketplace, thực chất là "một loại thuế đánh vào doanh nghiệp Mỹ". Trước đó, cha đẻ của Meta cũng đã kêu gọi Tổng thống của mình thiệp để EU giảm bớt các khoản phạt này.
Theo Financial Times, Ủy ban châu Âu đang xem xét sử dụng cơ chế "chống cưỡng chế" từ năm 2023, nhằm đối phó với các hạn chế thương mại của Trung Quốc, để đáp trả đòn thuế quan của Mỹ. Cụ thể, EU có thể sẽ hạn chế việc tiếp cận thị trường châu Âu của các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, thậm chí ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ của họ.
Một quan chức EU giấu tên cho biết: "Mọi phương án đều đang được cân nhắc" để đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, một quan chức khác cho rằng chưa chắc EU sẽ nhắm thẳng vào lĩnh vực công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang tạo ra những phản ứng dây chuyền trên toàn cầu. Chỉ chưa đầy một tuần trước, ông tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, nhưng sau đó lại tạm hoãn khi hai nước này đồng ý nhượng bộ một số yêu cầu của Mỹ về an ninh biên giới.
Tuy nhiên, trước khi Mỹ ra quyết định tạm dừng, Thủ hiến Ontario (Canada) Doug Ford tuyên bố sẽ hủy bỏ hợp đồng với Starlink – công ty cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh thuộc SpaceX của Elon Musk.
Theo Fortune, ông đã gay gắt tuyên bố: "Ontario sẽ không hợp tác với những người đang tìm cách hủy hoại nền kinh tế của chúng tôi". Tuy nhiên, ông sau đó cũng tạm dừng biện pháp trả đũa sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định hoãn áp thuế đối với Canada trong 30 ngày.
Ở Nam Phi, quê hương của tỷ phú Elon Musk, kế hoạch mở rộng của Starlink cũng đang gặp trở ngại khi Mỹ đe dọa cắt giảm tài trợ cho chương trình điều trị HIV, với lý do liên quan đến luật cải cách ruộng đất gây tranh cãi của nước này.
Khi các nước như Trung Quốc và EU bắt đầu trả đũa trực tiếp vào những "gã khổng lồ công nghệ" của Mỹ, câu hỏi đặt ra là Tổng thống Donald Trump thực sự ưu tiên điều gì: Giảm thâm hụt thương mại, tăng thu từ thuế quan hay buộc các nước khác nhượng bộ theo ý muốn của Mỹ?
Luật sư Simon Lester, đồng sáng lập các trang web chính sách và luật thương mại tại Mỹ nhận định: "Không ai biết chính xác ông Donald Trump đang theo đuổi điều gì. Chúng ta chỉ có thể chờ xem bước đi tiếp theo của ông ấy sẽ ra sao".
Bạch Dương
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/trung-quoc-va-chau-au-chon-bigtech-lam-con-tin-trong-cuoc-chien-thue-quan-voi-my.htm