Trung Quốc và giấc mơ đi làm, giao hàng bằng máy bay

Trung Quốc và giấc mơ đi làm, giao hàng bằng máy bay
8 giờ trướcBài gốc
Động lực tăng trưởng mới
"Nền kinh tế tầm thấp" được hiểu là bao gồm các hoạt động kinh tế diễn ra ở độ cao dưới 1.000m so với mặt đất (có thể mở rộng trong phạm vi 3.000m tùy theo đặc điểm khu vực), lấy hoạt động bay tầm thấp với thiết bị bay có người lái và không người lái làm chủ đạo.
Máy bay không người lái chở hàng rời khỏi chi nhánh Bưu điện Dongyang tại Chiết Giang.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và tư vấn công nghiệp iResearch, đến năm 2028, ô tô bay có thể bước vào giai đoạn quảng bá thương mại quy mô nhỏ và dần phổ biến rộng rãi vào năm 2035.
Theo báo China Daily, nội dung nền kinh tế tầm thấp lần đầu tiên được đưa vào Báo cáo công tác của Chính phủ vào năm 2024, xác định đây là động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Ngay sau đó, cuối năm ngoái, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc thành lập một cơ quan quản lý nền kinh tế tầm thấp với trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế tầm thấp, lập kế hoạch phát triển trung và dài hạn, đề xuất chính sách có liên quan.
Tiếp đó, trong Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc năm 2025, Bắc Kinh một lần nữa nhận định nền kinh tế tầm thấp là lĩnh vực mới nổi mang tính chiến lược.
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công ty trong ngành tăng cường ứng dụng công nghệ, sản phẩm trên quy mô lớn; phát triển an toàn và lành mạnh các ngành công nghiệp mới nổi như hàng không thương mại cùng nền kinh tế tầm thấp.
Cùng tháng 3, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động đặc biệt để thúc đẩy tiêu dùng. Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển nhanh các loại hình tiêu dùng mới trong nền kinh tế tầm thấp như khuyến khích phát triển có trật tự các hoạt động du lịch tầm thấp, thể thao trên không và máy bay không người lái.
Ngay sau đó, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp chứng chỉ hoạt động (OC) cho hai công ty vận hành máy bay không người lái chở khách.
Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã cấp Chứng chỉ hoạt động cho công ty EHang Holdings có trụ sở ở Quảng Đông và Công ty Hefei Hey Airlines ở An Huy, xác nhận máy bay không người lái chở khách của hai đơn vị này đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vận hành của Trung Quốc.
Với chứng chỉ này, các công ty có thể khai thác thương mại trong không phận được cấp phép, cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách có trả phí bằng loại hình phương tiện mới.
Những bước phát triển nhảy vọt
Không chỉ ở cấp trung ương, nhiều tỉnh thành đã đưa mục tiêu phát triển nền kinh tế tầm thấp vào báo cáo công tác hoặc đưa ra chính sách có liên quan.
Máy bay Ehang EH-216.
Đơn cử hai thành phố Quảng Châu và Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông đã ban hành một loạt biện pháp để hỗ trợ ngành này.
Ông Fu Changyin, Giám đốc tiếp thị của Volant Aerotech (một trong những đơn vị đang nghiên cứu và phát triển máy bay cất hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện - hay còn gọi là eVTOL) có trụ sở tại Thượng Hải nhận định: "Ngành công nghiệp tầm thấp có bước phát triển nhảy vọt".
Theo ông, từ đầu năm nay, nhiều thành phố của Trung Quốc có kế hoạch thiết kế các điểm cất hạ cánh cho eVTOL, đồng thời chuẩn bị đưa vào khai thác thương mại các sản phẩm này trên quy mô lớn.
Với các chính sách đó, thị trường phát triển phương tiện phục vụ ngành công nghiệp ở Quảng Đông nở rộ. Riêng tỉnh này đã có hơn 30% trong tổng số doanh nghiệp trong chuỗi ngành công nghiệp tầm thấp của đất nước.
Quảng Đông là tỉnh duy nhất ở Trung Quốc có hơn 10.000 doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến nền kinh tế tầm thấp. Riêng ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh, số lượng doanh nghiệp liên quan đứng thứ hai trong các tỉnh thành trên toàn Trung Quốc.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Tháng 11 năm ngoái, Airbus Helicopters, một đơn vị thuộc Tập đoàn sản xuất máy bay châu Âu Airbus và là nhà sản xuất máy bay trực thăng lớn nhất thế giới đã khai trương trụ sở mới tại Khu hợp tác chuyên sâu Quảng Đông - Macao ở Hengqin, Quảng Đông.
Trung tâm Thử nghiệm, trưng bày UAM Louhu của Ehang.
Mới đây, đơn vị xe bay Xpeng Aeroht của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Xpeng Motors chọn Quảng làm nơi xây dựng nhà máy, dự kiến là cơ sở sản xuất quy mô lớn hàng loạt phương tiện bay eVTOL trong loại xe mới mang tên "Tàu sân bay trên bộ". Mỗi chiếc có giá khoảng 2 triệu nhân dân tệ và công ty đã nhận được khoảng 4.000 đơn đặt hàng.
Hay như Ehang Holdings Ltd, một công ty phát triển eVTOL khác, cũng chọn Quảng Châu làm trụ sở.
Ehang đã trở thành doanh nghiệp eVTOL đầu tiên trên thế giới niêm yết, đạt được mục tiêu thương mại hóa và lợi nhuận. Năm ngoái, Ehang đã giao 216 máy bay không người lái và đạt doanh thu kỷ lục là 456 triệu nhân dân tệ, tăng 288,5% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo thường niên của công ty.
"Nhờ có sự hỗ trợ chính sách, lĩnh vực tầm thấp đang bước vào giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao", ông He Tianxing, Phó chủ tịch của Ehang Holdings cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ông Dong Zhiyi, cựu Phó cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), chỉ ra vẫn còn nhiều thách thức như nguồn lực phân tán, tỷ lệ thương mại hóa thấp và thiếu nhân lực có tay nghề.
Chuyên gia Zhiyi cho rằng để giải quyết các vấn đề, cần có một cơ chế hợp tác mạnh mẽ hơn.
Cùng đó, cần thành lập quỹ công nghiệp để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đối với các công nghệ chính và thực hiện thử nghiệm thương mại hóa; đẩy nhanh quá trình công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn khả năng bay giữa Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), rút ngắn quá trình phê duyệt thiết bị do Trung Quốc sản xuất trên thị trường toàn cầu.
Theo dự báo của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, quy mô thị trường nền kinh tế tầm thấp của Trung Quốc dự kiến đạt 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (207,2 tỷ USD) trong năm nay và ước tính đạt 3,5 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2035.
Trang Trần
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/trung-quoc-va-giac-mo-di-lam-giao-hang-bang-may-bay-192250403222432067.htm